Chân Long Kiếm

Chương 1: Chương 1: Trúc Lâm Yên Tử




Yên Sơn hay Bạch Vân Sơn, quanh năm có mây phủ. Nhìn từ xa, Bạch Vân sơn trải dài năm sáu dặm, mờ ảo như chốn bồng lai tiên cảnh không nhiễm bụi trần. Đường núi hoang sơ, gập ghềnh, muốn lên núi chỉ có duy nhất một con đường mòn dẫn thẳng tới đỉnh núi, ẩn khuất dưới những tán rừng. Nhiều chỗ đi hiểm trở không thể bước đi như bình thường mà phải dùng bằng cả hai tay.

Ấy thế mà giữa lưng chừng xuất hiện một ông lão tóc bạc như cước, râu dài rủ xuống ngực, lướt đi lên đỉnh núi như trên đất bằng vậy. Ông lão quần áo phất phơ, chân đi mỗi bước xa hơn trượng, chẳng khác gì thần tiên đi mây về gió thăm thú nhân gian. Chẳng bao lâu sau ông lão đã lên được tới đỉnh. Ông lão ngẩng đầu, ngắm nhìn ngôi chùa ở ngay trước mắt. Trong đôi mắt hổ ánh lên nỗi hoài niệm. Đã lâu rồi ông không tới đây, không biết cố nhân xưa giờ thế nào.

Ngôi chùa tọa lạc trên đỉnh núi Bạch Vân quanh năm mây mù che phủ. Chùa không quá to lớn, bờ tường đã bạc màu theo thời gian, mái ngói cũng đã hằn rõ dấu vết thời gian. Trên cổng chùa có viết ba chữ theo thể chữ Nôm: Tĩnh Tâm tự. Ông lão vừa bước vào thì hai chú tiểu từ trong chạy lại, chắp tay hành lễ hỏi:

- Xin cho hỏi thí chủ là ai, đến đây làm gì?

Ông lão không để ý đến sự vô lễ của chú tiểu, chỉ cười đáp:

- Nhờ tiểu sư phụ vào thông báo với Viên Ngộ đại sư rằng có bạn cũ là Phùng Sĩ Chu đến thăm.

- Vâng, xin thí chủ đợi một lát.

Ông lão nhân cơ hội nhìn ngắm cảnh vật xung quanh, thấy cảnh vật còn đẹp hơn xưa, rừng xanh núi thẳm, thiên nhiên hùng vĩ, đẹp đẽ vô cùng nên tấm tắc khen ngợi không ngớt.

"Hà hà! Ông ấy đã ra rồi!" Lão nhân hướng mắt vào bên trong. Một vị sư cụ mặc áo cà xa màu đỏ, chân mang giày cỏ, bước chậm rãi, nhẹ nhàng, nhưng vô cùng trầm ổn. Ông có lẽ đã ngoài tám mươi tuổi nhưng sắc mặt vẫn hồng hào, thần khí sảng lảng. Nhà sư sắp tới gần, chú tiểu vẫn không hề hay biết, thế mà lão nhân từ xa đã nghe được rõ ràng. Nhà sư bắt gặp lão nhân đứng đó thì hồ hởi nói:

- A di đà phật! Chào Phùng huynh, đã lâu không gặp.

- A! Con chào trụ trì ạ.

Bấy giờ chú tiểu mới sửng sốt quay người lại. Thì ra đây là trụ trì của chùa. Đại sư gật đầu khẽ khoát tay:

- Ừ! Được rồi, con đi đi!

- Vâng ạ!

Ông lão họ Phùng mừng rỡ, ánh mắt lộ rõ sự kích động thậm chí, khóe mắt đã rơm rớm lệ:

- Ha ha ha, Viên Ngộ đại sư, bao nhiêu năm không gặp, đại sư vẫn tráng kiện, mạnh khỏe như xưa.

- Phùng huynh đã quá lời rồi, lão nạp thật không dám nhận. Mời vào, mời vào.

- Mời!

Chùa Tĩnh Tâm là nơi để các cao tăng Trúc Lâm Yên Tử nghỉ ngơi và nghiên cứu kinh Phật nên không khí chùa rất yên tĩnh. Viên Ngộ đại sư và Phùng lão là bạn lâu năm, nếu không muốn nói là tri kỷ. Hai người sóng đôi bước vào trong sân chùa vừa đi vừa bàn luận rôm rả. Phùng lão theo Viên Ngộ vào đến sân chùa thì bắt gặp một nhà sư trẻ tuổi, chỉ chừng mười tám mười chín đang quét sân. Đại sư Viên Ngộ gọi chàng ta lại giới thiệu:

- Giới thiệu với Phùng huynh, đây là Vô Tướng, học trò của ta. Vô Tướng, đây là Phùng tiền bối, là bạn cũ nhiều năm của thầy.

Vô Tướng chắp tay hành lễ:

- Tiểu tăng xin ra mắt tiền bối.

- Tiểu sư phụ không cần đa lễ.

Ông lão nhẹ nhàng phẩy tay một cái. Vô Tướng cảm thấy một luồng nội lực nhu hòa mà hồn hậu ùa tới nâng chàng lên. Chàng nghĩ vị tiền bối này có ý thử võ công của mình, bèn vận kình chống đỡ, ngờ đâu trước ngực bị đè nặng, hô hấp khó khăn, hai chân như muốn khuỵu xuống. Chàng hoảng hồn, vội vàng vận kình trụ vững mới không bị ngã ngửa ra nhưng trước ngực nặng nề, mặt mũi đỏ bừng, trong lòng sợ hãi. Đại sư Viên Ngộ dĩ nhiên biết xảy ra việc gì, đại sư trừng mắt nhìn Vô Tướng khiển trách:

- Vô Tướng, con không được vô lễ, con mau xin lỗi Phùng tiền bối đi.

Vô Tướng bị sư phụ mắng, giật mình tỉnh ngộ. Chàng vội cúi đầu, thành khẩn nói:

- Cháu có mắt mà không thấy Thái Sơn, mong tiền bối không chấp nhặt mà bỏ qua cho.

Ông lão xua xua tay lắc đầu:

- Ấy, không sao đâu, là ta có lỗi trước.

Thật sự tính tình ông lão không ưa mấy cái lễ tiết này nọ, thành ra gây hiểu lầm. Ông lão liếc mắt đánh giá Vô Tướng từ trên xuống dưới hồi lâu rồi gật gù:

- Ha ha, Viên huynh quả nhiên tinh mắt, thu được một đệ tử giỏi. Tiểu sư phụ đây hai mắt lấp lánh thần quang, chính khi lẫm liệt, quả là nhân tài trăm người có một.

- Cháu tài học kém cỏi, tiền bối đã khen quá lời rồi.

Vô Tướng được khen ông lão mà sợ nên càng tỏ ra khiêm tốn. Đại sư Viên Ngộ biết có nói gì nữa thì đều chỉ tô vẽ thêm đuôi, bèn sai chàng pha nước mời ông lão. Phùng lão nhìn quanh nhìn quất, chợt thấy có một bộ cờ đặt ở trong góc tường thì máu mê cờ nổi lên. Ông lúc trẻ thường hay tìm những cao thủ cờ tướng mà đánh. Đại sư Viên Ngộ tinh mắt, mỉm cười, sai Vô Tướng mang lại. Đại sư vừa xếp cờ vừa nói:

- Nào, chúng ta vừa đánh cờ vừa nói chuyện, liệu Phùng huynh có cho ta cơ hội gỡ lại ván cờ ngày nào chăng?

Phùng lão nghe thế bật cười ha hả:

- Ha ha! Không ngờ chuyện đó trôi qua đã lâu mà đại sự vẫn còn nhớ rõ như vậy.

- Ha ha, lão nạp tu hành mấy chục năm mà vẫn không sao trừ bỏ được hết tham sân si, đã khiến Phùng huynh chê cười rồi.

Đại sư Viên Ngộ cầm quân trắng nên được đi trước. Vô Tướng đứng hầu một bên quan sát. Cờ tướng biến hóa muôn hình vạn trạng, lúc thì xông lên tấn công, khi thì thu về phòng thủ, rất nhịp nhàng uyển chuyển. Chàng theo dõi cuộc đánh cờ mà cứ ngỡ đang chứng kiến hai cao thủ giao đấu võ công, chiêu thức tầng tầng lớp lớp, nhờ thế mà ngộ ra được nhiều điều tâm đắc.

Ba người say mê chơi quên hết cả thời gian, chớp mắt trôi qua hơn hai canh giờ. Lúc này cờ đang vào thế giằng co. Quân đen tuy chiếm lợi về quân số nhưng lại bị quân trắng tấn công ráo riết, Pháo trắng ở vị trí thuận lợi để chuẩn bị cho nước chiếu hết tiếp theo.

"Nếu sư phụ đưa Pháo vào giữa, tất Phùng tiền bối sẽ tiến Xe chiếu tướng sư phụ bên mạn sườn trái, bắt buộc sư phụ phải lui Xe về chống. Như thế sẽ dẫn đến đấu cờ. Sư phụ tuy ăn được Xe và Mã của tiền bối nhưng ngược lại thế công hoàn hảo sư phụ khổ công dựng nên bị phá vỡ gần như hoàn toàn. Kết cuộc vẫn không có người nào chiếm lợi thế." Vô Tướng tư chất thông tuệ, đã nhanh chóng hiểu được cục diện.

Quả nhiên đại sư Viên Ngộ nhấc Pháo trắng định đi. Không phải đại sư không biết nước cờ này nhưng đây là nước đi tốt nhất trong lúc này.

Đột nhiên chú tiểu quét sân chạy vào, vừa thở hổn hển vừa nói:

- Đại sư, có chuyện lớn... có chuyện lớn xảy ra rồi.

Đại sư đặt quân Pháo xuống vị trí cũ, ngẩng đầu lên hỏi:

- Chuyện gì mà con có vẻ hoảng hốt vậy?

Chú tiểu hít sâu một hơi rồi đáp:

- Lính Ngô... lính Ngô không hiểu vì nguyên nhân gì mà kéo đến đây quấy rối, hiện tại sư huynh Vô Ngã đang đánh nhau với bọn chúng dưới chùa Vân Yên ạ.

- Ồ! Thật sao?

Đại sư Viên Ngộ và ông lão nhìn nhau, việc này rõ ràng chẳng bình thường chút nào.

- Phùng huynh, có lẽ chúng ta tạm dừng, xuống đó xem thế nào.

- Đúng thế, việc chùa quan trọng hơn, chúng ta mau đi thôi.

Đại sư Viên Ngộ và ông lão bèn thi triển khinh công chạy vùn vụt xuống dưới. Theo sau đó khá xa là Vô Tướng và chú tiểu.

Khi Đại sư Viên Ngộ tới nơi thì thấy một nhà sư áo xám đang giao đấu với một viên tướng quân Ngô. Nhà sư tự là Vô Ngã, khoảng hai mươi sáu hai mươi bảy tuổi, là sư huynh của Vô Tướng. Vô Ngã nhập môn trước Vô Tướng năm năm, nhưng vì tư chất hơi kém nên võ công chỉ bình bình. Vô Ngã có nguy cơ sắp thua rồi.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.