Cô Thành Bế

Chương 67: Chương 67: Thư họa






Trước mồng một Tết hằng năm, đế hậu sẽ thưởng lễ tân niên cho tôn thất ngoại thích, cuối năm nay, công chúa đã sớm dặn ta, phải chuẩn bị cẩn thận, ra ngoài lựa mua một vài món đồ thưởng ngoạn tao nhã trong cung không có để hoàn lễ.

Dương phu nhân biết được việc này, sang nói với công chúa: “Lễ vật công chúa và phò mã tặng vào cung là đưa chung, không bằng giao cho phò mã sắm. Sau khi đón công chúa về, nó còn chưa có cơ hội nào tỏ lòng hiếu kính với quan gia và nương nương, bây giờ để nó tự mình chuẩn bị lễ hậu cũng là điều nên làm.”

Công chúa nói: “Trước đây Hoài Cát ở trong cung thường xuyên theo hầu đế hậu, biết rất rõ sở thích của họ, để huynh ấy chọn lễ vật thích hợp hơn.”

Dương phu nhân không vui: “Phò mã là con rể quan gia, lẽ nào mắt chọn quà lại không bằng kẻ dưới? Những năm qua nó chuẩn bị quà biếu thay mặt phủ quốc cữu cũng đã nhiều lần, có lần nào quan gia không thích đâu.”

Thấy công chúa hoàn toàn biến sắc, ta lập tức giành trước mở miệng: “Quốc cữu phu nhân nói có lý, lễ vật do phò mã tự mình chọn mua có thể thể hiện được lòng hiếu kính của công chúa và phò mã, quan gia trông thấy sẽ yêu thích hơn.”

Lương đô giám bên cạnh cũng tán thành khen phải, cố gắng khuyên công chúa chấp thuận kiến nghi của Dương phu nhân, cuối cùng, công chúa đành phải bằng lòng.

Thái độ của Lý Vĩ khiêm tốn hơn mẹ hắn, trước khi ra cửa chọn mua, hắn tới trưng cầu ý kiến của ta, hỏi mua loại quà gì thì hợp.

Ta nói với hắn: “Trong cung không thiếu kỳ trân dị bảo, đế hậu thường ngày chủ trương tiết kiệm, không thích đồ vật xa hoa nhưng đều rất thích bút nghiên đan thanh. Nếu đô úy có thể dâng biếu vài tác phẩm tinh hoa thư họa, ắt hẳn họ sẽ rất vui lòng.”

Lý Vĩ theo lời đi mua, hơn mười ngày sau, mang về sáu bức thư họa, giao cho ta và công chúa xem.

Ta mở từng bức ra nhìn, sau đó im lặng đưa cho công chúa, công chúa xem bức thiếp chữ của Vương Hi Chi đắt giá nhất trong đó trước, nghiền ngẫm đôi chốc, bỗng khẽ nhíu mày, đánh mắt lườm Lý Vĩ.

Lý Vĩ cả kinh, hoảng sợ nhìn sang ta như đang hỏi: “Chữ này có vấn đề gì à?”

Ta mỉm cười thân thiện với hắn, nói: “Đô úy vất vả rồi, quay về nghỉ sớm đi ạ. Những chuyện vụn vặt còn lại cứ để Hoài Cát lo liệu cho.”

Đợi hắn đi rồi, công chúa ném bức thiếp trong tay xuống, giận dữ ra mặt: “Con thỏ ngốc này lại ném tiền qua cửa sổ rồi, bỏ một đống tiền ra mua một bức mô phỏng về.”

Khi ấy Bạch Mậu Tiên cũng ở bên hầu hạ, nghe vậy nhặt bức thiếp chữ lên tỉ mỉ đánh giá, sau đó thỉnh giáo công chúa: “Sao công chúa xác định được là bản mô phỏng ạ?”

Công chúa đáp: “Khi còn trẻ Vương Hữu Quân viết chữ đa phần dùng giấy tím, trung niên trở đi thì thường dùng giấy nhám, sau dùng giấy do Trương Vĩnh Nghĩa chế tạo. Bức thiếp này tuy đã được dày công làm cũ nhưng vẫn nhìn ra được là giấy trúc quết sáp. Đến quốc triều, kẻ sĩ mới dùng giấy trúc viết chữ, người thời Tấn đâu đã dùng giấy trúc, chắc chắn là hàng giả.”

Đoạn, nàng hỏi ta: “Mấy cuốn còn lại cũng là giả?”

Ta rút hai cuốn trong số thư họa Lý Vĩ mang tới đưa cho công chúa.

Công chúa xem tranh tố nữ thượng uyển mang danh nghĩa là của Trương Huyên trước, suy xét chốc lát, nhìn ra sơ hở trong đó.

“Chất liệu và hoa văn trên váy nữ tử này xem chừng là lụa hoa hồ sen, đây là loại vải quốc triều mới có.” Nàng chỉ vào người trong tranh.

Ta gật đầu, lại chỉ vào một nhân vật mang dáng dấp nội thần, nói: “Trương Huyên sống vào thời Đường Huyền Tông, nội thần thời ấy đội khăn chít đầu dạng tròn, mà người trong tranh này lại đội khăn vấn sa màu, kiểu ấy đến cuối thời Đường mới xuất hiện.”

Bạch Mậu Tiên cũng nhẹ nhàng lại gần xem bức họa: “Lương tiên sinh từng nói về Trương Huyên với thần, kể rằng ông ấy vẽ nữ tử hay thoa một lớp hồng phớt lên tai họ, vả lại sở trường của ông ấy là vẽ trẻ con, vừa phác được nét thơ ngây vừa họa được thần thái sống động. Nhưng bức tranh này lại chẳng có hai đặc điểm đó, đứa bé thị nữ ôm bế trong lòng mắt mày già giặn, chẳng khác nào mặt mũi người trưởng thành thu nhỏ…”

Ta liếc thằng bé, nó lập tức cúi đầu im bặt, công chúa trông thấy, bảo ta: “Lời Tiểu Bạch nói có sai đâu, huynh ngăn nó nói hết làm gì? Tranh này đúng thật là người đời sau giả danh ngụy tạo, đến Tiểu Bạch cũng nhìn ra được mà Lý Vĩ vẫn hồ đồ không soi ra.”

Nàng thở dài xua tay, mở một bức khác nghe đâu là “Độc bi khoa thạch đồ” của danh họa Lý Thành nổi tiếng vẽ tranh sơn thủy thời Ngũ Đại ra, lần này trầm ngâm một lúc lâu vẫn chưa phát hiện ra khả nghi chỗ nào, bèn hỏi ta: “Tranh này cảnh sắc âm u, cấu tứ phóng khoáng, nét bút mảnh nhẹ, vẽ cây đá phác trước tô sau, trong trẻo lưu loát, phong nhã thanh tao, đích xác là bút pháp của Lý Thành. Thuốc màu dùng để vẽ tranh lụa cũng không có gì khác thường. Làm thế nào mà huynh nhìn ra được là hàng giả thế?”

Ta đáp: “Người mô phỏng làm giả bức họa này hiển nhiên kính nghiệp hơn hẳn hai người trước, mô phỏng y như đúc, đến con dấu danh tính trên tranh cũng làm giả được. Nhưng chính bởi quá kính nghiệp nên đã giữ đúng nguyên tắc đứng đầu của cao thủ ngụy tạo: cố ý để lại một chỗ sơ hở trong bản mô phỏng để người xem có thể phân biệt được. Sơ hở trong bức họa này nằm trên bia đá. Bề mặt bia đá trong nguyên tác có một hàng chữ nhỏ có thể loáng thoáng đọc ra, viết ‘Vương Hiểu nhân vật, Lý Thành thụ thạch’, đó chính là ký hiệu của Lý Thành, thuyết minh rằng nhân vật trong bức họa là nhờ bạn mình Vương Hiểu vẽ. Mà bức tranh này thì lại không có hàng chữ ấy, thế nên thần kết luận là mô phỏng.”

“Nhưng sao huynh biết bản gốc có hàng chữ ấy?” Công chúa truy vấn.

Ta nói nàng hay duyên cớ: “Mấy năm trước, Bùi thừa chế sưu tầm được từ dân gian bản gốc của bức tranh này, đã cất vào Bí các, thần cũng từng trông thấy.”

“Độc bi khoa thạch đồ” – Lý Thành (919 – 967)

Công chúa gác cuộn tranh sang một bên, ngước mắt suy ngẫm, rầu rĩ cùng cực. Lát sau, lại thở dài thườn thượt: “Lý Vĩ ngồi ôm núi vàng mà kiến thức lại chẳng bằng đám nội thần bọn huynh, bỏ một đống tiền ra mua sáu bức thư họa thì có đến một nửa là hàng giả. Nghĩ nửa đời sau phải buộc chung với hắn, tự dưng thấy mất hết cả hứng thú với cuộc sống.”

Ta trầm mặc, cuối cùng khuyên bảo nàng: “Nhưng phò mã rất chân thành với công chúa, là người rất tốt.”

Nàng cười nhạt, đổi chủ đề: “Hoài Cát, xem ra vẫn phải phiền huynh ra ngoài, tìm vài bức thư họa lọt mắt dâng lên cho cha và nương nương rồi.”

Ta cúi người lĩnh mệnh, nàng lại lộ vẻ sầu lo: “Có điều bây giờ chẳng còn dư bao nhiêu thời gian, trước đây huynh cũng không mấy ra phố, biết phải tìm ở đâu bây giờ?”

Ta đáp: “Công chúa đừng lo, thần biết phải đi đâu tìm.”

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.