Giống Rồng

Chương 42: Chương 42: Lý Nguyên Gia lo ốm dựng lại La Thành




Giống Rồng

Nguyễn Khai Quốc

Hồi thứ chín:

Chí Trinh hai lần đánh đuổi cố nhân.

Sĩ Giao liên hoàn dùng mưu khích tướng.

Chương 9.2 Chí Trinh dùng mưu bị trúng kế, Lý Nguyên Gia lo ốm dựng lại La Thành

Đi được chừng hai mươi dặm, Chí Trinh đốc mã trên bờ chặn đầu Cam bắn tên uy hiếp. Triệu Cam trốn vào trong khoang thuyền mà nói vọng ra:

- Là một trang tuấn kiệt, Trinh ngươi có dám đánh tay đôi với ta hay không.

Chí Trinh cười lớn :

- Nhà ngươi nghĩ ta đi cùng với ai nữa à. Hãy mau lên đây đấu với ta, đồ nhát gan ăn vụng họ Triệu nhà ngươi.

Nghĩ bụng Chí Trinh đã mắc mưu, Cam cho thuyền táp vào bờ, vội vàng hắn nhảy lên bãi đất, cầm mũi thương chĩa thẳng vào Chí Trinh. Trinh cầm giáo dài, bẻ gãy làm hai tay phải cầm mũi giáo, tay trái cầm đoản côn nhảy xuống ngựa đánh với Cam. Hai bên giao đấu từ khi nắng đổ đứng bóng đến lúc con nước triều lên không phân thắng bại. Triệu Cam sai đám người cầm múc lên gầu nước uống một hơi hết nhẵn đáy lại đánh tiếp với Chí Trinh. Chí Trinh đầm mình xuống nước, uống một hơi tạo cả xoáy nước trên sông, cầm đoản côn, mũi giáo đánh với Cam thêm hai mươi hiệp nữa thì Cam ném thương bỏ chạy.

Chí Trinh quất ngựa đuổi theo đến bãi đầm lầy ngựa bị thụt xuống bùn, không nhấc nổi chân lên. Trinh nhảy ra khỏi ngựa thì bị Triệu Túc từ đâu chạy tới kè dao vào cổ, Túc sai người bắt trói Chí Trinh. Chí Trinh quẫn tiết, vùng vằng đòi hai người họ Triệu thả Trinh ra. Trinh liên tục mắng chửi hai tên đó bụng dạ tiểu nhân, ăn ở hai lòng, phỉ nhổ vào mặt Triệu Túc. Túc cầm dao cứa vào sợi thừng trói Trinh:

- Chí Trinh thiếu chủ không nghĩ sẽ có ngày như thế này phải không? Năm xưa ở thành Nà Lữ, thiếu chủ lừa ta ở lại giữ thành, thân mình đóng ở bãi đất phía ngoài, địch đến thì bỏ chạy, không báo cho tiểu nhân một tiếng. Để khi họ Quế áp sát thành Nà Lữ, tiểu nhân cùng hai trăm huynh đệ không kể tính mạng mà chạy đến trấn Hải Môn, lại bị quy kết tội phản chủ. Nay kết cục như vậy, chắc thiếu chủ không phiền lòng chứ.

Chí Trinh tung người lên đạp trúng một tên lính đang cố giữ lấy Trinh khiên tên đó gãy chiếc xương sườn. Giọng khàn đi vì đói lả, Chí Trinh mắng Túc:

- Cha con chúng mày là bọn vô ơn bạc nghĩa, thờ cá chép mà bụng dạ cá rô không đáng mặt sống ở trên đời này. Chẳng phải bọn chó má chúng mày tư thông với địch, dẫn giặc vào nhà giết đàn bà con trẻ thì đã không nên nỗi như bây giờ. Mày nói ai bỏ trốn khi mà ta năm lần bảy lượt lệnh nhà ngươi ra khỏi thành để trống thành mà tương kế tựu kế. Nhà ngươi nghĩ cái thành nhỏ giữa bốn bề núi cao đó có thể chống được sức địch hay sao mà cố thủ cho bằng được. Để khi quân ta bị giặc phá, không còn đường lui thì lúc đó nhà ngươi mới chịu ló cái mặt ra để cho họ Quế đó chiêu dụ. Rồi cả khi ta chạy vượt qua Hiếu Sơn, nghe nhà ngươi mất thành, không rõ tung tích, ta đã phải sai người đi dò hỏi khắp nơi đến khi có kẻ báo về nói ngươi chạy về phía đông, ta mới phần nào yên dạ. Vậy mà cha con mày ăn cháo đập niêu, chó nhà cắn chủ mưu dẫn giặc vào nhà đẩy bọn ta vào chỗ chết, dân Giao Châu vào khói lửa binh đao không dứt.

Triệu Túc giáng một đấm thật mạnh vào mặt Trinh, đôi hàm gãy rụng, vài chiếc răng rơi theo cùng máu đỏ tươi. Triệu Túc toan đánh thêm đòn nữa vào mặt Trinh, Cam cản lại, nói nhỏ với Túc:

- Anh hai xin hãy dừng tay. Hiện giờ nghe nói tên tù trưởng họ Dương vẫn còn nắm binh mã Trường Châu, Man Hoàng khê động hơn bốn mươi châu Cơ mi. Giết Trinh là chuyện dễ như trở bàn tay, nhưng ta đoán rằng họ Dương đâu có thể ngồi yên mà nhìn con trai hắn chết. Trinh còn sống, lại ở trong tay chúng ta. Dương Thanh sẽ không dám giương mắt nhìn con trai hắn bị đe dọa tính mạng mà động binh cướp lấy Giao Châu.

Hai anh em họ Triệu trở về Long Biên báo cho Nguyên Hỷ biết tin. Hỷ lấy làm vui mừng nhưng trong lòng chưa yên. Cam vẫn theo kế sách cũ mang thêm hai nghìn lính đi đánh Lục Châu hòng che mắt quân phản loạn. Cùng lúc đó, Long Trạch rút hết binh mã từ phía tây về Tống Bình đóng trại từ Bình Sa Động phía nam hồ lớn Dâm Đàm dọc theo Lịch giang đến phía nam giáp sông Cái.

Sĩ Giao nghe tin quân Tống Bình bỏ hai huyện Vũ Bình, Thái Bình lui về trấn thủ La Thành liền sai các tướng chiếm lấy hai huyện. Sĩ Giao sai lính giữ chặt hai huyện đó mà không tiến quân về phía đông. Dương Thanh viết thư hỏi ý Sĩ Giao tại sao không thừa cơ mà chiếm lấy đất huyện Tống Bình. Sĩ Giao gửi lại cho Dương Thanh lá thư chỉ viết vỏn vẹn bốn chữ: “Dương tây trinh đông”. Thanh đọc thư cười lớn, sai người viết thư dũng những mỹ từ đẹp nhất để khen tặng Sĩ Giao. Sĩ Giao tỏ lòng cảm tạ, thức trắng một đêm viết lá thư bày hết tâm can cho Thanh.

Dương Thanh trở về Man Hoàng, đốc binh mã thất động đánh dẹp các tù trưởng đất Man Hoàng để lấy lại uy dũng. Một viên huyện lệnh trẻ tuổi huyện Phù Tà, cơ mi La Phục Châu tên là Ma Cao Dực bàn với Dương Thanh:

- Nay quân binh đã đông, lương thảo đã đủ, đám người man di, khê động cũng theo ta hết thảy. Trường Châu cũng đã thuận theo ý tướng chủ. Tù trưởng về đất Man Hoàng mà không dấy binh Trường Châu để chiếm lại Giao Châu như Tù trưởng hằng ấp ủ bấy lâu. Phải chăng có điều chi chưa được thuận. Vãn sinh còn trẻ chưa hiểu hết chuyện mong tù trưởng giảng cho.

- Cao Dực ở đất động khê chắc chưa hiểu rõ. Đất Giao châu của chính quyền họ Lý, nó đã ăn sâu vào trong tiềm thức của người Giao Chỉ. Chuyện phá trị sở, chiếm đất chỉ là một lẽ nhỏ để thu phục đất An Nam, thứ tối quan trọng đó phải là nhân tâm. Lòng người có theo thì mọi điều mới thuận. Các tướng lĩnh triều đình, châu mục, hào trưởng các châu quận đều hiểu rõ tầm quan trọng của Giao Châu nên sẽ không dễ dàng để cho kẻ khác chiếm được đất đó. Bây giờ ta cầm binh đánh lấy Giao Châu, há chăng đám người đó ngồi yên nhìn ta ngồi chỗ ấy. Ái Châu, Phong Châu, Võ An, Hoan, Diễn, Phúc Lộc, tất cả chỉ trực chờ có kẻ chiếm đất đó mà có cớ sự để bành trướng uy danh. Đất Trường Châu vô pháp, thiếu lễ nghi, lòng quân không phục, ý dân muốn từ bỏ từ lâu nên ta mới dễ dàng lấy được đất chỗ ấy. Còn những chỗ khác, nhà ngươi cứ ngẫm mà xem. Hai huyện nhỏ Vũ Bình, Thái Bình, chẳng phải là do Hoàn Vương quấy phá Lục Châu mà quan quân mới phải bỏ hai huyện đó hòng mở vòng vây cho quân tiếp viện từ Kinh Nam xuôi về đất Giao Châu. Nay bố phòng quân ta đã đủ, củi khô đã chất, dầu lửa đã giăng, chỉ chờ có mồi lửa để cháy bùng dữ dội.

Cao Dực nghe Dương Thanh nói như đèn soi chỗ tối, nước ngập ruộng khô. Cao Dực ngày ngày theo Dương Thanh lên núi thao binh, xuống thung trồng lúa cùng đám dân binh. Thi thoảng lại cùng Dương Thanh đọc tấu sớ các châu huyện vùng Man Hoàng. Cao Dực được ở chung nhà sàn, học theo họ Dương cách trị người, dùng pháp luật đối đãi với kẻ dưới. Thời gian sau, Dương Thanh xuôi về đất Trường Châu để ráo riết binh mã đánh trận lớn chiếm lại đất Giao Châu. Mọi chuyện xứ Man Hoang, Cao Dực được Dương Thanh phó thác. Cao Dực bấy giờ mới hai mươi ba tuổi nên nhiều kẻ nghi kỵ ganh ghét. Dương Thanh thoạt đầu muốn giúp Dực thoát khỏi những thị phi, rèm pha nhưng sau đó lại để cho Dực tự kiểm điểm bản thân, đối đáp với những kẻ gây lời thị phi. Cao Dực từ một chàng trai trẻ con chưa thấu đáo sự tình, nay đã trở thành một người mang dáng dấp của tôn trưởng.

Dương Thanh viết thư ngỏ lời Sĩ Giao về Cao Dực, Sĩ Giao viết một lá thư khen tấm tắc về đối trí của Cao Dực. Lời thư Sĩ Giao viết chứa đựng những lời hoa mỹ nhưng không thiếu những dặn dò đầy trách nhiệm đối với việc phó thác của Dương tù trưởng cho Cao Dực. Cao Dực từ bấy giờ hành sự cẩn trọng, mọi việc đều thấu đáo từ dưới lên trên mà không bị người khác rèm pha nữa. Dương Thanh cùng Sĩ Giao cảm thấy vui mừng, dồn toàn lực cho mặt trận phía đông.

Tháng tư mùa hè trời nóng bức, hào nước vây thành Long Biên cạn trơ tới đáy, dòng nước lũ tiểu mãn từ sông Cái không ngập tới kênh dẫn đổ vào hào nước. Lý Nguyên Gia cho người vét đáy dòng kênh để dẫn nước vào hào mà suốt hai tuần không tài nào dẫn được vào. Nguyên Gia cưỡi ngựa ra cổng bắc của thành Long Biên, thấy có con nước vắt ngang chảy qua cửa. Nguyên Gia sai quân dân trong thành đào một dòng kênh nữa dẫn nước vào con hào vây thành.

Được một tuần lễ, nước sông Cái lên cao, nước đổ vào kênh, hào đầy ắp. Nguyên Gia đêm nằm mộng thấy có tên mặt quỷ, da xanh tay cầm xích trượng đi thuyền từ cửa sông Thiên Đức xuôi theo dòng nước đoạn qua chỗ cửa bắc thành Long Biên nhảy lên bờ sai quân lính mở cửa, giết người trong thành, máu chảy đầu rơi nhiều không đếm được. Nguyên Gia chợt tỉnh, lau mồ hôi vã khắp người, giữa canh ba chạy tới chỗ bờ sông Thiên Đức đoạn chảy qua cửa bắc thành Long Biên.

Dòng nước đang xuôi theo hướng tây bắc đông nam, đến đoạn kênh dẫn nước vào hào thành thì đổi dòng chảy một góc vuông từ mạn Nam ngược về Bắc khiến Nguyên Gia kinh hồn bạt vía chạy về trong thành. Nguyên Gia ốm ba ngày, không ăn không uống. Liễu tá trong phủ đô hộ tới hỏi, Nguyên Gia kể ra giấc mộng đêm trước, lại nói có con nước chảy ngược nên đâm ra lo ốm. Viên Liễu tá cầm chiếc quạt phe phẩy xua đi hơi thở nóng rực tỏa ra từ người của viên đô hộ vỗ về:

- Con nước chảy theo dòng là lẽ tự nhiên, hết đoạn nước chảy qua huyện Long Biên, cũng như bao dòng khác Thiên Đức Giang lại chảy xuôi về đông. Còn cơn mộng của đại nhân chỉ là mê sảng, đâu có điều gì đáng để lo ốm.

Nguyên Gia run run cầm chén nước còn nghi ngút mà trần tình với viên Liễu tá:

- Trước nay ta chỉ nghe sông chảy từ chỗ cao đến chỗ thấp, từ Tây Bắc mà chảy về Đông Nam. Nay trước cửa thành phía bắc lại có đoạn sông chảy ngược như vậy, lẽ nào điềm báo dân Giao Châu có lòng phản nghịch. Đất Giao Châu trước giờ vốn vẫn bị đe doạ bởi nhiều người nuôi dưỡng ý định làm loạn. Ta không thể yên dạ chút nào.

Viên liễu tá lắc đầu, chỉ nở nụ cười nhạt:

- Nếu đại nhân đã có ý như vậy. Chi bằng nhân lúc đám người Man Hoàng đã lui quân, huyện Tống Bình đã yên, Đại nhân trở về La Thành mà dựng lại trị sở.

Nghe xong lời bàn của viên Liễu tá, Lý Nguyên Gia như khỏi hết ốm bệnh, đầu rũ bỏ được âu lo. Ngày sau Nguyên Gia cho mời các bậc phụ lão, quan chức trong huyện tới bàn bạc. Nguyên Gia sai dân chúng trong thành mỗi người góp hai ngày công, chở bùn, nung gạch đắp thành lũy nhỏ kế bên nền thành cũ đã bị dân man cướp phá, dịch về phía đông gần với sông Cái. Hơn nửa tháng sau, thành được dựng. Cửa kép, tường đôi, bốn hướng vây tròn, nhà cửa san sát, khuôn viên thành nhỏ nhắn, bằng góc tây nam của thành Long Biên.

Lý Nguyên Gia cho dựng điện tế, mời thầy phong thủy đến làm lễ tế bái trời đất, mở tiệc khao dân chúng trong thành. Có viên cận hầu bàn với Nguyên Gia:

- Tiểu nhân nghe các bậc phụ lão bàn rằng Đất chỗ La Thành mới dựng chính là đất Long Đỗ, xưa là đất của thần Tô Lịch, Tô Lịch Giang cũng chính là từ tên ấy mà ra. Nay đại nhân dựng thành trên đất ấy, thuận bề nhiều mặt cũng là nhờ vị thần ấy linh ứng mà giúp ngài vậy. Há không dựng đền miếu thờ sẽ chẳng thể yên được. Chi bằng đại nhân dựng đền cạnh sông để tỏ lòng thành.

Trong tiệc, Nguyên Gia bàn với các bậc hương lão, quan lại địa phương. Các bậc hương lão, quan lại địa phương đều thấy quan đô hộ hiểu được tập quán của địa phương mà đều tỏ ý hài lòng. Lý Nguyên Gia cho cất một ngôi đền cạnh dòng sông mang tên vị thần ấy. Nguyên Gia lại cho mở tiệc khao đám quan lại, hương lão huyện Tống Bình. Tiệc mở linh đình, lễ hội đông đúc đến cả vạn người, trăm ngàn điệu múa đều có, đàn địch vang trời, suốt cả ngày không dứt.

Đêm ấy, Nguyên Hỷ say rượu, nằm cạnh cửa sổ mặt trông ra con sông thần. Đang lặng yên ngon giấc, bỗng nhiên có trận thanh phong ào ào thổi đến, bụi cát cuốn bay lưng trời, rèm lay án động bên trong, một người cưỡi hươu trắng đi từ trên không hạ xuống, râu mày bạc phơ, áo mão rành rạnh sặc sỡ, tiền gần Nguyên Hỷ mà nói:

- Nhờ ơn sứ quân uỷ cho ta làm chủ thành này, nếu sứ quân có giáo hóa được cư dân trong thành cho hết lòng hết sức thẳng ngay, thì mới sung được nhiệm vụ của quan thủ mục, mới xứng với trách nhiệm của một bậc tuần lương.

Nguyên Hỷ bái tạ xin vâng, hỏi tên họ của thần thì thần không đáp, cưỡi nai trắng đạp mây bay đi mất. Hỷ bấy giờ tỉnh lại mới hay đó là giấc mơ. Hỷ kể lại chuyện đêm đó tại đền cho các bậc hương lão, thổ hào địa phương. Hỷ tỏ lòng ngưỡng mộ muốn dân chúng Tống Bình một lòng hướng lời dạy của thần mà phò giúp Hỷ cai quản đất Giao Châu.

Ngày sau, hội tan Nguyên Gia lên trên thành phóng xa tầm mắt nhìn về phía nam bụng nghĩ rằng Giao Châu đã sắp định yên, đám quân phản loạn sẽ phải hàng phục dưới trướng. Nghĩ đến thôi, Nguyên Gia lại thấy hả lòng, miệng cười đắc trí. Có làn mây gợn bầu trời nắng gắt, Nguyên Gia nhìn xuống phía dưới cổng thành. Long Trạch cưỡi ngựa áp giải một đám người từ phía tây trở về. Nguyên Gia đi xuống phía dưới nhìn đám người đó mặt mũi sáng sủa, quần áo gọn gàng, đầu tóc búi cao mà cất lời hỏi:

- Những người này phạm tội gì mà đích thân Long tướng quân lại áp giải vào thành.

Long Trạch mặt lầm lỳ dắt đám phạm nhân, tay cầm song câu bình thản bước tới nói với Nguyên Gia:

- Đám người này ngày qua trà trộn vào lễ hội tung tin xằng bậy, đêm xuống lẻn vào trong thành uống rượu say phá phách dịch quán, lời nói khinh miệt quan đô hộ.

- Những người đó nói gì?

- Chúng truyền tai nhau, phát giấy cho người dân rằng khi trước quan đô hộ Triệu Xương người mỏng, lương ít mà dựng thành Đại La uy nghi là thế. Nay thuế sưu mang nặng, sức lính như sóng vỗ mà chỉ dựng được thành nhỏ như chuồng gà giữa trời đất Giao Châu rộng lớn, lại là đất thiêng rốn rồng. Bọn chúng còn giễu cợt quan đô hộ giữa dịch quán rằng sức ông ta chỉ xây được một cái thành cỏn con như thế. Chúng còn ba hoa khoe mẽ lấy thi văn đối ẩm rằng quan sứ xây thành nhỏ lại cho mở mở hội lớn, có khác chi kẻ nghèo khó dựng một túp nhà tranh dâng lễ chấn trạch bằng ba nhà ngói. Tại hạ nghe thấy mà giận khôn tả xiết, đành bắt giải chúng về để đại nhân xét tội.

Nguyên Hỷ mặt mũi xầm xì, da đỏ như gà chọi say đòn, cầm kiếm dí mặt tên đi đầu mặt mày nho nhã, mặc chiếc quần vải lụa, áo gấm. Hắn vênh mặt, nghển cổ như thể thách thức Nguyên Hỷ. Nguyên Hỷ dùng chuôi kiếm giáng một đòn mạnh vào vai, hắn khuỵu chân ôm lấy vai, mặt mày tức tối mà không nói một lời. Viên đô hộ ra hiệu cho giải chúng đi giam vào ngục tối, tra cực hình lấy lời khai của đám người đó. Nguyên Hỷ ra lệnh toàn thành hễ có ai bàn tán chuyện xây thành, cất dựng đền thờ thần nhẹ thì bị đánh mười roi, xàm ngôn thì cho sai nha khâu miệng hai ngày, còn nếu phát hiện người kể chuyện truyền tin cho người khác bị nhốt vào ngục tối, bỏ đói ba ngày, tiếp tục tái phạm sẽ bị xử chém.

Canh khuya tiếng mõ khua ánh đèn trong thành dần tắt lịm, Nguyên Gia cởi áo mão, giày quan trực ngả lưng xuống tấm phản, tay phe phẩy quạt nan, miệng chóp chép miếng trầu cay của người nam. Chốc chốc Nguyên Hỷ lại lật người nghiêng qua nghiêng lại, thi thoảng lại nhô cao đầu lấy chiếc bát mà nhổ bã. Tiếng đập cửa phủ uỳnh oàng khiến Nguyên Hỷ tỉnh giấc, xộc xệch áo quần quan đô hộ mắt mở mắt nhắm nhìn tay bổ đầu Tô Tiến Hậu hổn hển thở dốc:

- Không hay rồi. Bẩm quan đô hộ, không hay rồi.

- Có điều gì mà nhà ngươi hớt hải chạy tới phủ giữa canh ba.

Tiến Hậu lau hết giọt mồ hôi còn lăn trên khuôn mặt kham khổ của anh chàng, hai tay chống gối, thở phì phò như ngựa:

- Hai cái tên mà Long Trạch bắt giữ khi chiều, bọn chúng là con của viên thứ sử châu Phong Vương Thăng Triều, một tên nữa là Kiều Chung Tiềm con trai của phó thứ sử Chung Đạt.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.