Lẳng Lơ Tao Nhã

Chương 218: Chương 218: Ban ngày nghe tiếng đánh cờ vây




Mấy tên đại hán cười ha hả, vứt bỏ gậy cầm trên tay xuống, chắp tay trước ngực cung kính nói với Trương Nguyên và Trương Đại:

- Tướng công xin chớ trách, gần đây thường xuyên có lưu manh côn đồ đến quấy rầy.

Vũ Lăng nói:

- Mấy tên lưu manh đó đã bị bắt giam ở huyện lao Thanh Phổ rồi.

Nữ lang áo vải mặt đẹp như tranh vẽ kia nắm lấy chạc sừng của con hươu, một người một hươu tiến vào cổng hàng rào trúc. Người được gọi là Diêu thúc hỏi huynh đệ Trương Nguyên, Trương Đại:

- Hai vị tướng công nếu có danh thiếp, xin hãy đưa để tiểu nhân vào thông báo.

Trương Đại nói:

- Cứ nói là có cháu của Trương Túc tiên sinh ở Sơn Âm đến thăm.

Người gọi là Diệu thúc đó nhướng đôi lông mày rậm lên hỏi:

- Là vị Trương Túc tiên sinh đã tặng hươu cho Mi Công phải không ạ?

Trương Đại nói:

- Chính là tổ phụ của ta.

Diệu thúc liền quay đầu đi vào bên cạnh hàng rào nói với một đầy tớ đang thò đầu ra nhìn:

- Đã nghe rõ chưa, mau đi báo đi.

Tiểu đồng đó vâng một tiếng rồi co đầu chạy đi.

Diệu thúc mời bảy người Trương Nguyên vào phòng dưới lầu “Thủy biên lâm hạ uyển” . Trương Nguyên và Trương Đại thích thú thưởng thức hoa cỏ trong vườn. Nữ lang mặc áo vải đội mũ trúc kia đã không thấy bóng dáng đâu nữa, thật khiến cho Trương Nguyên và Trương Đại không thể đoán được thân phận của nàng. Mười ngày trước còn ở Hàng Châu, bây giờ lại xuất hiện ở Đông Dư Sơn Cư, nữ lang này là thân thích của Trần Mi Công? Theo Trương Đại biết thì Trần Mi Công không có con gái. Sau thời gian khoảng nửa chén trà thì người đầy tớ nam chạy đến báo:

- Mi Công đang ở Lỗi Kha Hiên, mời hai vị tướng công đến gặp.

Trương Đại sai bọn người hầu ở đây đợi rồi cùng với Trương Nguyên đi theo đầy tớ nam đến Lỗi Kha Hiên. Đi được vài bước thì phát hiện Mục Chân Chân cùng đi theo, bèn cười nói với Trương Nguyên:

- Giới Tử, tỳ nữ của đệ thật trung thành đấy.

Lúc Trương Nguyên quay đầu nhìn thì thiếu nữ đọa dân này liền đỏ mặt, nói:

- Thiếu gia, tỳ nữ sợ là sẽ có lưu manh.

Trương Nguyên cười nói:

- Ừ, Chân Chân đi theo chúng ta để gặp Trần Mi Công danh tiếng lẫy lừng.

Trương Đại nói:

- Bọn đánh thuê Hoa Đình đến biệt thự của Mi Công quấy rầy, thật là kỳ lạ. Bọn đánh thuê Hoa Đình là do Đổng thị nuôi, Mi Công và Đổng Huyền Tể lại rất có giao tình, lẽ nào bọn chúng không biết?

Người đầy tớ dẫn đường nói:

- Mấy tên đánh thuê đó đâu dám tới đây gây hấn, chỉ là hôm trước có mấy tên lưu manh đi ngang qua nhìn thấy Vi Cô liền nói năng xằng bậy, bị Diêu thúc đuổi nên bọn chúng đã vội vàng tháo chạy rồi.

Trương Đại hỏi:

- Vi Cô chính là nữ lang vừa mới ở bên hồ đúng không, nàng ấy quan hệ thế nào với Mi Công?

Đầy tớ đáp:

- Là đệ tử của Mi Công, theo Mi Công học thư họa.

Trương Đại vẫn còn muốn hỏi nữa nhưng người đầy tớ nói:

- Mi Công ra đón kìa.

Lúc Trương Đại và Trương Nguyên ngước mắt nhìn thì nhìn thấy một ông lão gầy gò đi ra từ một lầu các được xây dựa vào núi. Ông lão này quấn khăn Đông Ba, mặc một chiếc đạo bào thẳng thớm, lông mày rất dài, dường như che đến mắt, để kiểu râu dê, râu tóc hoa râm, lúc bước xuống bậc thềm đá sống lưng thẳng đứng, đi đứng nhanh nhẹn, tuổi đã gần sáu mươi mà không trông già chút nào. Trương Đại bước nhanh đến trước mặt ông lão, khom người thi lễ:

- Vãn bối Trương Đại bái kiến Mi Công.

Trương Nguyên cũng thi lễ theo:

- Vãn bối Trương Nguyên bái kiến Mi Công.

Ông lão này chính là Trần Kế Nho, cười ha hả nói:

- Anh bạn nhỏ Trương Đại, cách biệt mười năm, tiểu đồng tóc dài ngày trước giờ đã là một thiếu niên anh tuấn rồi, ‘Tiền Đường huyện lý đả thu phong’, phản ứng rất nhanh nhẹn, đến hôm nay lão phu cũng không thể quên.

Trương Đại không ngờ Trần Kế Nho vẫn còn nhớ chuyện câu đối đó, hổ thẹn nói:

- Đồng tử không biết đối đáp không đúng, sớm đã rất hối hận rồi.

Trần Kế Nho cười nói:

- Trẻ con nhanh miệng chính là bản tính, sao lại hối hận chứ, năm trước lão phu ở Kinh Thạch phủ của Thái Thương Vương dạy thư họa cho con trai ông ta, bị người ta hỏi thẳng đã là người trên núi sao không đi lên núi, lão phu mặt không hề biến sắc.

Trương Đại nói:

- Sanh phu tục tử sao có thể biết được sự cao thượng của Mi Công.

Trương Nguyên nói:

- Thói đời hợm hĩnh nịnh hót, sống gần người không trong sạch nhưng Mi Công không bị nhiễm đó mới thật sự là trong sạch.

Trần Kế Nho đưa mắt nhìn Trương Nguyên, có chút ngạc nhiên, hỏi Trương Đại:

- Vị này là em họ của cậu, con trai của Trương Giá Sinh đúng không?

Trương Đại liền đáp:

- Mi Công, đây là tộc đệ Trương Nguyên Trương Giới Tử.

Cặp lông mày dài của Trần Kế Nho di động, chợt nói:

- Ha ha, nghe danh đã lâu, tiểu tam nguyên của Thiệu Hưng, đệ tử của Tiêu thái sử, có khả năng ghi nhớ hơn người, còn đánh lại cả Đổng nhị công tử.

Trương Nguyên chắp tay nói:

- Thật là hổ thẹn, vãn bối dựa vào đánh người mà nổi tiếng, coi như là tiếng ác truyền xa vậy.

Trần Kế Nho cười nói:

- Con trai thứ của Đổng công ỷ thế con ông cháu cha, chắc chắn là do gã vô lễ trước, người trẻ tuổi thường hay nóng nảy, có tí tranh chấp không là gì cả. Đổng công cũng rất độ lượng, chắc là sẽ không trách cậu đã đánh con trai ông ta đâu.

Trương Nguyên nghĩ thầm: “Đổng Kỳ Xương nào có độ lượng, lão chỉ là tạm thời không làm khó dễ được ta, lão viết thư cho Vương Đề Học bảo Vương Đề Học chèn ép ta, mưu tính không cho ta thi đỗ tú tài”.

Những lời này đương nhiên không thể nói với Trần Kế Nho khi mới lần đầu tiên gặp mặt, hắn bèn nói:

- Vãn bối có chút lỗ mãng, tộc thúc tổ biết vãn bối sắp đến Thanh Phổ nên đã đặc biệt dặn dò vãn bối phải đến nghe Mi Công dạy bảo.

Trần Kế Nho cười nói:

- Không dám. Túc Ông gần đây có khỏe không?

Trương Đại đáp:

- Ông nội vãn bối thân thể khỏe mạnh, ngày nào cũng chăm chỉ đọc sách.

Trần Kế Nho cười nói:

- Ta già nên hồ đồ mất rồi, đứng đây nói chuyện lâu quá, xin mời, xin mời!

Trong Lỗi Kha Hiên có treo một câu đối, là do Trần Kế Nho nghĩ ra và tự viết: “ Thiên vi bổ bần thiên dữ kiện, nhân nhân kiến lại ngộ xưng cao “ .

Thư pháp của Trần Kế Nho bắt chước Tô Thức và Mễ Phất, khéo léo che giấu khuyết điểm, nở nang tươi đẹp. Trương Nguyên thầm nghĩ: “Ông trời thật chiếu cố Trần Mi Công, biết bao nhiêu người nghèo đói bệnh tật. Trần Mi Công tuổi gần sáu mươi đã không nghèo khổ mà còn dồi dào sức khỏe. Còn nói là lười biếng thì đó chính là khiêm tốn. Cái lười của Mi Công là ở chỗ nghe tiếng suối chảy, thử trà, sưu tầm hoa mai, ngồi đệm cói, hái thuốc trên núi, thưởng nguyệt trên lầu cao, điều khiển hạc múa, câu cá và chơi cờ.

Trương Nguyên thấy bên dưới cửa sổ phía nam Lỗi Kha Hiên có một bộ cờ, quân cờ làm bằng gỗ phỉ còn hộp cờ làm bằng trúc. Chúng nằm thật yên tĩnh dưới ánh nắng buổi sáng, không có một hạt bụi.

Trương Nguyên và đại huynh Trương Đại cung kính ngồi xuống, lập tức có lão bộc dâng trà đến, chén sứ trắng Tuyên Đức, màu trắng tao nhã, hương trà thoang thoảng. Trần Kế Nho mỉm cười nói:

- Túc Ông là người rất sành ăn, cả trà đạo cũng đánh giá rất tinh tế, hai vị hậu bối đã học được chưa?

Trương Nguyên đối với trà chỉ có thể phân biệt tốt xấu, về phần trà gì nước gì thì không thể nhận ra được. Trương Đại nhấp một ngụm trà nói:

- Mi Công, đây là trà Hổ Khâu?

Trương Nguyên nói:

- Rượu ngon có thể tiêu sầu giải lo, trà ngon có thể rửa sạch phiền muộn, trà này của Mi Công có công hiệu như thế.

Lời bình phẩm của Trương Nguyên rất trúng ý và khôn khéo.

Trần Kế Nho cười nói:

- Quả nhiên là cha truyền con nối!

Rồi hỏi hai người đến Tùng Giang có việc gì?

Trương Đại là huynh nên để Trương Đại trả lời, Trương Đại đáp:

- Ba huynh đệ vãn bối lần này là đến Quốc Tử Giám ở Nam Kinh để học, Lục thị ở Thanh Phổ là thông gia với Trương thị nên mới ghé thăm, cũng là để có thể được Mi Công chỉ bảo.

Trần Kế Nho cười nói:

- Ba huynh đệ các người cùng đến Quốc Tử Giám sao? Túc Ông có những đứa cháu như thế chắc hẳn là rất vui mừng mà ngày càng mập mạp lên nhỉ.

Bỗng đôi lông mày nhướng lên, nghĩ thầm: “Lục thị ở Thanh Phổ và Trương thị ở Sơn Âm là thông gia sao!”

Mỗi năm Trần Kế Nho đều đi chơi vài tháng, thời gian còn lại đều ẩn cư ở Dư Sơn. Không phải là ông không biết chuyện thế sự, ông cũng quan tâm đến cái tốt cái xấu ở địa phương và sự khó khăn của người dân. Ông cũng đã từng hiến kế với quan lại để giúp những người dân rơi vào hoàn cảnh khó khăn vì thiên tai. Mối bất hòa không nhỏ giữa Thanh Phổ Lục thị và Hoa Đình Đổng thị ông cũng có nghe, chỉ là không rõ đích xác chân tướng, bèn hỏi:

- Ta nghe nói mối quan hệ giữa Lục thị Thanh Phổ và Hoa Đình Đổng thị bị rạn nứt, không biết thực hư thế nào, hai vị tiểu hữu có thể nói cho ta biết?

Trương Đại nhìn Trương Nguyên nói:

- Giới Tử, đệ hãy nói tỉ mỉ cho Mi Công biết đi.

Trương Nguyên nói:

- Chuyện này nói ra rất dài dòng.

Vốn là vào hội đèn Long Sơn tết Nguyên Tiêu năm trước đã hắn có xung đột với Đổng Tổ Thường, tên phản nô Trần Minh của Lục thị đã tìm đến Đổng thị để nương tựa. Hắn kết giao với Tông Dực Thiện và lại tiếp tục xung đột với Đổng Tổ Thường ở chùa Tịnh Từ núi Nam Bình ở Hàng Châu...Mãi đến chuyện của mấy ngày trước đây...nói ra...

Lúc Trương Nguyên kể chuyện, Trần Kế Nho luôn quan sát kĩ, cảm thấy Trương Nguyên nói chuyện rất bình tĩnh, ngữ điệu không nhanh cũng không chậm, trong lời nói cũng không có sự khen chê rõ ràng, giống như những người đứng xem rồi tường thuật lại, chỉ để cho người nghe tự bình luận.

Trần Kế Nho hỏi:

- Trương công tử chuyên nghiên cứu kinh gì?

Trương Nguyên đáp:

- Bổn kinh của Vãn bối là “ Xuân thu “ .

Trần Kế Nho cười nói:

- Quả nhiên là “ Xuân thu “ . Khả năng học hỏi vận dụng của Trương công tử rất giỏi, những lời vừa rồi rất chặt chẽ cẩn thận có thể tin được.

Trương Nguyên nói:

- Mi Công là người cơ trí, trước mặt Mi Công ai dám nói dối ạ.

Trần Kế Nho nói:

- Đổng công chuyên tâm thư họa, rất ít khi hỏi chuyện thế sự, con trai bạo ngược cũng là chuyện có thể xảy ra.

Trương Nguyên cười cười, cũng không tranh luận chuyện nhân phẩm của Đổng Kỳ Xương với Trần Kế Nho làm gì, nói:

- Mi Công thứ lỗi, vãn bối nói những chuyện vụn vặt làm quấy rầy Mi Công, quả thật rất hổ thẹn. Vãn bối có một thỉnh cầu, vãn bối và Tông Dực Thiện là bạn tốt, Tông Dực Thiện vì nguyên cớ của vãn bối mà phải chịu uất ức ở Đổng phủ, vãn bối muốn gặp huynh ấy, chỉ có điều nếu vãn bối đến Đổng phủ chắc chắn sẽ bị ăn gậy, chó dữ truy đuổi, bởi vậy muốn nhờ Mi Công giúp đỡ.

Trần Kế Nho nói:

- Hôm trước ta đã đến Đổng phủ, gặp Tông Dực Thiện làm quản môn, cũng ấm ức thay cho cậu ta và đã thỉnh cầu Đổng công đối tốt với cậu ấy, Đổng công cũng đã đồng ý rồi.

Trương Nguyên cau mày nói:

- Mi Công đã xin cho Tông Dực Thiện? E là cảnh ngộ của Tông Dực Thiện sẽ càng tệ hơn.

Nghe Trương Nguyên nói thế, Trần Kế Nho có chút không vui nhưng không thể hiện trên mặt, cười nói:

- Trương công tử xin chớ có thành kiến với Đổng công.

Trương Nguyên đáp:

- Nếu Mi Công chưa xin cho Tông Dực Thiện thì hôm nay sai người đến truyền huynh ấy đến Dư Sơn, người của Đổng thị có thể sẽ cho huynh ấy đến. Nhưng nếu đã xin rồi thì Tông Dực Thiện không thể nào đến được.

Trần Kế Nho cười nói:

- Thật sao? Vậy hãy chứng minh thử xem sao.

Nói rồi ông liền viết một lá thư rồi sai người đem đến Đổng phủ bảo Tông Dực Thiện đến Đông Dư Sơn Cư giúp ông sao chép kỳ thư “ Kim Bình Mai “ .

Trần Kế Nho rất tin vào mối quan hệ tốt giữa mình và Đổng Kỳ Xương. Năm trước Đổng Kỳ Xương đã xây một tòa lầu ở bên Bạch Long Đàm ngoại ô Hoa Đình, mệnh danh là “Lai Trọng lâu”. Tòa lầu này được đặc biệt xây dựng vì Trần Kế Nho, ông tự là Trọng Thuần, “Lai Trọng lâu” có nghĩa là chào đón Trọng Thuần. Mối giao tình gần bốn mươi năm há lại hời hợt ư.

Nhưng Trương Nguyên lại dự đoán là Tông Dực Thiện không đến được nên phải nghĩ cách khác liên hệ với Tông Dực Thiện.

Từ núi Đông Dư đến huyện thành Hoa Đình xa khoảng hơn mười dặm, đi về phải mất hơn một canh giờ. Trần Kế Nho hỏi Trương Đại và Trương Nguyên:

- Hai người biết chơi cờ vây chứ?

Trương Đại đáp:

- Vãn bối chỉ biết sơ về cờ vây nhưng nghệ thuật chơi cờ không bằng Giới Tử đệ. Giới Tử được xưng là danh thủ của Thiệu Hưng, có thể nhắm mắt đánh cờ.

Trần Kế Nho hỏi:

- Nhắm mắt đánh cờ sao?

Trương Nguyên cúi người đáp:

- Vâng.

Trần Kế Nho có chút kinh ngạc, nói:

- Vậy ta phải thỉnh giáo rồi.

Trương Nguyên nói:

- Vãn bối đâu dám nhắm mắt đánh cờ với Mi Công, có thể được Mi Công chỉ giáo, vãn bối không thắng cũng đã rất vui rồi.

Trương Nguyên cung kính ngồi xuống bên cạnh bàn cờ, cầm lấy một quân cờ trắng đi trước. Những việc khác thì nhường người lớn tuổi trước, nhưng khi chơi cờ vì để thể hiện sự tôn trọng, nên lần đầu giao thủ đều là do vãn bối đi trước. Trương Nguyên không biết khả năng chơi cờ của Trần Kế Nho như thế nào nên cố hết sức đi cờ thật vững. Sau khi đi được hơn ba mươi quân, hắn cảm thấy khả năng chơi cờ của Trần Kế Nho cũng không phải quá cao siêu. Hắn liền sử dụng một chiêu lừa dưới góc bên phải, chiêu này chắc chắn không có ở triều Minh. Quả nhiên Trần Kế Nho đã bị trúng kế. Cái gọi là trúng kế hoàn toàn không phải là nhiều quân cờ sắp chết mà là cục diện đã bị cờ trắng của Trương Nguyên chiếm ưu thế. Khả năng chơi cờ của Trần Kế Nho không kém, ông có thể nhìn ra những chiêu lừa nguy hiểm hoặc quá rõ ràng, chỉ có chiêu lừa cao cấp này mới có thể đánh lừa được ông. Dần dần, cờ trắng của Trương Nguyên ưu thế đi trước một nước giờ đã tăng lên hai nước.

Đánh hơn một trăm quân cờ, Trần Kế Nho cảm thấy trên bàn cờ đã không còn chỗ có thể thắng nữa, bèn lắc đầu nói:

- Trương công tử là cao thủ cờ vây, lão phu không phải đối thủ. Ta có một nữ đệ tử rất giỏi cờ vây, để ta gọi đến chơi ván tiếp theo với công tử.

Liền ra lệnh cho tiểu đồng đi gọi Vi Cô đến.

Trương Nguyên và đại huynh Trương Đại bốn mắt nhìn nhau, cả hai người đều rất mong đợi, ai cũng muốn gặp lại nữ lang mặc áo vải đội nón trúc kia.

Một lát sau, có tiếng bước chân rất nhẹ, mùi hương hoa lan thoang thoảng xông vào mũi mọi người. Nữ lang mặc áo vải đội nón trúc nhẹ nhàng bước đến Lỗi Kha Hiên, duyên dáng thi lễ với Trần Kế Nho, đôi mắt xinh đẹp nhìn quanh một lượt, hiên phòng sinh động hẳn lên.

Trần Kế Nho đứng dậy nói:

- Vương Quan, vị này là Sơn Âm Trương Nguyên Trương công tử, tài hoa hơn người, đánh cờ rất giỏi, ta vừa mới thua cậu ấy, ngươi hãy đấu một ván với cậu ta, lão phu sẽ ngồi xem.

Nữ lang vừa là “Vi Cô” lại vừa được gọi là “Vương Quan”, rốt cuộc là tên gì? Trần Kế Nho tại sao lại gọi nàng đến đấu cờ với một nam tử lạ mặt?

Nữ lang mặc áo vải đội nón trúc không chút xấu hổ liền đồng ý, nhìn Trương Nguyên một cái rồi đến bên bàn cờ quan sát kĩ cục diện ván cờ của Trần Kế Nho và Trương Nguyên, nàng nói:

- Trương công tử xin mời.

Nàng ngồi xuống bên bàn cờ, bắt đầu thu cờ. Trương Nguyên giúp nàng cùng thu và phân loại quân cờ đen trắng, nhìn đôi tay mềm mại xinh đẹp tinh tế của nữ lang, mu bàn tay trắng như ngọc, còn trắng hơn cả quân cờ trắng, móng tay được sửa mượt mà không tỳ vết, đây tuyệt đối là mẫu bàn tay đẹp tuyệt đỉnh của hậu thế.

Nữ lang này khoảng mười bảy mười tám tuổi, khí chất ung dung, lúc thu cờ tình cờ chạm phải tay của Trương Nguyên, cũng không hề biến sắc mà vẫn lẳng lặng thu hết quân cờ rồi nói:

- Trương công tử đã thắng một ván nên ván này tiểu nữ sẽ đi trước.

Trương Nguyên đáp một tiếng:

- Mời.

Nữ lang mặc áo vải đội nón trúc này có vòng eo thon thả, hai ngón tay phải thon thả như cọng hành mùa xuân cầm lên một quân cờ trắng, đặt lên bàn cờ bằng gỗ phỉ kêu một tiếng “cạch”, tư thế tao nhã, tiếng cờ đặt xuống cũng trong trẻo rất êm tai. Ban ngày nghe tiếng đánh cờ là một chuyện thú vị, huống hồ là có một nữ lang xinh đẹp mỹ miều đang ngồi trước mặt. Trương Đại đứng phía sau Trương Nguyên xem cờ nhưng mắt lại không rời khỏi khuôn mặt của nữ lang. Trương Nguyên nghĩ thầm:

- Mỹ sắc quả nhiên là vũ khí lợi hại, dùng để chơi cờ ít nhất cũng có uy lực của hai quân cờ.

Nữ lang này thực sự quá đẹp, Trương Nguyên ngồi đối diện cũng phải phân tâm đành phải cụp mắt xuống nhìn vào bàn cờ, giống như lão tăng nhập định vậy, trong lòng triển khai thế cờ, chỉ có thời khắc tiếng quân cờ rơi xuống mới đưa mắt nhìn bàn cờ. Khả năng chơi cờ của nữ lang quả nhiên cao hơn Trần Kế Nho, dáng vẻ thanh lịch tao nhã nhưng khi hạ quân cờ lại rất linh hoạt sắc bén, xoay xoay quân cờ thật sự rất hung dữ. Trương Nguyên biết đấu cờ với nữ tử dễ hơn với nam tử. Nữ tử đều chơi cờ kiểu cố sức chiến đấu nhưng nữ lang này là ngoại lệ.

Trương Nguyên lấy lại tinh thần, trở nên trầm tĩnh. Khả năng chơi cờ của Trương Nguyên tuy vẫn chưa đạt đến cảnh giới nhập thần, tọa chiếu nhưng bản lĩnh tính toán của hắn có thể khiến bản thân phát huy khả năng đến cực điểm. Cuộc đấu cờ rất gay gắt, mấy quân cờ đen trắng giằng co nhau, chiến đấu ở góc biên lan tỏa toàn cục.

Trần Kế Nho mỉm cười nhìn hai người chơi cờ, ông rất thích nghe tiếng quân cờ trong không gian yên tĩnh, thầm nghĩ: “Thanh sắc ngu tình, sao bằng một ván cờ hay này.

Trận chiến khó hòa giải, nhất thời vô ý sẽ thua ngay. Đương lúc Trương Nguyên nhắm mắt suy tư, nữ lang liền di di ngón tay nhìn Trương Nguyên, thầm nghĩ: “Nhắm mắt đánh cờ, thật hiếm thấy”.

Trần Kế Nho ngồi bên cạnh nói:

- Trương Giới Tử có thể nhắm mắt đánh cờ, trí nhớ hơn người.

Nữ lang “vâng” một tiếng, nghĩ thầm: “Nghe nói tiểu tam nguyên của Thiệu Hưng Trương Giới Tử có khả năng ghi nhớ hơn người, không biết lời đồn đại có quá khoa trương hay không?”

Trần Kế Nho thấy ván cờ này của hai người còn phải đánh lâu, liền ra ngoài Lỗi Kha Hiên hỏi người đưa thư đến Đổng phủ sao vẫn chưa về, bây giờ đã đúng giờ Ngọ nhưng gia nô đưa thư cho Đổng phủ đã đi hơn nửa canh giờ rồi.

Lại qua gần nửa canh giờ, ván cờ trong Lỗi Kha Hiên đã kết thúc. Thế cờ đen của Trương Nguyên thắng một quân rưỡi. Khả năng chơi cờ của nữ lang thật sự rất mạnh, bàn cờ này Trương Nguyên đã phát huy rất tốt, sử dụng kiến thức cờ vây đi trước bốn trăm năm cũng chỉ thắng nhỏ. Đương nhiên vào thời này người đi trước không thêm mục, nữ lang chấp cờ trắng đi trước là chiếm lợi thế rất lớn, nếu như áp dụng thế thêm mục trả tù binh ở hậu thế thì cờ đen của Trương Nguyên còn thắng nhiều hơn.

Nữ lang thua cờ, đôi mắt xinh đẹp mở thật lớn, dáng vẻ vô cùng kinh ngạc nhưng không nói gì mà lo thu cờ rồi rời khỏi Lỗi Kha Hiên.

Trần Kế Nho giữ Trương Đại và Trương Nguyên lại dùng cơm, khi đang uống trà nói chuyện phiếm sau bữa cơm mới thấy gia nô đưa thư cho Đổng phủ quay về, chỉ có điều gã trở về có một mình. Đổng Kỳ Xương không có thư hồi âm, chỉ có một lời nhắn nói là Đổng lão gia thân thể không khỏe, ngày khác sẽ đến thăm Mi Công mà không nhắc đến chuyện của Tông Dực Thiện.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.