Lẳng Lơ Tao Nhã

Chương 246: Chương 246: Đòn thị uy .




Đỗ Tùng cười nói:

- Lại có chuyện lạ vậy sao, Mục Kính Nham kia giờ đang ở đâu, Đỗ mỗ muốn gặp ông ta.

Một lát sau, Mục Kính Nham cùng với nô bộc của Đỗ thị bước vào linh đường. Đỗ Tùng vừa thấy, mắt liền sáng lên, giống như Trương Yến Khách nhìn thấy Vương Vi Cô vậy, trong lòng thầm khen:

- Đúng là một đại hán, đúng là cơ thể của binh nghiệp.

Trương Nguyên giới thiệu:

- Mục thúc, vị này chính là Đỗ tướng quân.

Mục Kính Nham vội vàng dập đầu thi lễ với Đỗ Tùng.

Đỗ Tùng nhìn Mục Kính Nham dò xét, hỏi:

- Ngươi có biết võ nghệ không?

Mục Kính Nham nói:

- Tiểu nhân có học qua mấy đường thương pháp gia truyền.

- Thương pháp gia truyền?

Đỗ Tùng hỏi:

- Tiền bối của ngươi là ai? Chắc không phải là người Hán Trung Nguyên chứ?

Mục Kính Nham sớm đã được Trương Nguyên dặn dò, cẩn thận đáp:

- Tiên bối của tiểu nhân là Thám Mã Xích Quân Thiên Phu Trưởng của tiền triều, đến đời tiểu nhân, vì mấy đời không biết chữ cũng không có gia phả lưu truyền nên chuyện của tổ tiên đều không nhớ được nữa.

Đỗ Tùng nhướng đôi mày rậm, ông biết Thám Mã Xích Quân là mũi tiên phong tinh nhuệ, kinh thiên động địa của quân Nguyên, liền nói:

- Thiên Phu Trưởng của Thám Mã Xích Quân, chức quan này không hề nhỏ, hơn nữa nếu không phải là dũng sĩ một địch một trăm thì cũng không làm nổi Thiên Phu trưởng của Thám Mã Xích Quân. Nói như vậy võ nghệ của ngươi cũng không tồi, ta muốn kiểm tra ngươi xem sao, lại đây, đi theo ta vào trong viện.

Nói rồi ông vòng tay thi lễ nói với Trương Nguyên, Trương Đại và Vương Hoán Như:

- Ba vị tú tài cũng cùng đi xem cho vui!

Trinh Phong Lý Đỗ thị là quân hộ nhà tướng, ba con trai của Đỗ Cối ngày thường cũng tập võ, trong phủ tất nhiên có đủ mười tám loại binh khí. Mục Kính Nham lấy một cây đơn câu trường thương, hướng về phía Đỗ Tùng và đám Trương Nguyên xướng một tiếng, rồi thi triển một đường thương pháp. Trương Nguyên chỉ biết đứng xem cho vui, cũng cảm thấy thương pháp của Mục Kính Nham uy phong bát diện, bất động như núi, trấn động như sấm sét. Tiểu Bàn Long côn của Mục Chân Chân mà so với Đơn Câu Thương pháp của Mục Kính Nham thì đúng là kiến so với voi.

Đỗ Tùng biến đổi sắc mặt, đường thương pháp này của Mục Kính Nham rất khác so với Dương gia Lê Hoa thương của Thích Kế Quang, chiêu thức đơn giản hơn một chút, nhưng nếu ở trên ngựa thì loại thương pháp này lại cực kỳ thực dụng. Ông liền hỏi Mục Kính Nham có biết cưỡi ngựa thi triển thương pháp hay không?

Mục Kính Nham hoảng hốt nói:

- Tiểu nhân không biết cưỡi ngựa.

Đỗ Tùng gật đầu, thầm nghĩ:

“Một đọa dân nếu cung mã đều thành thạo thì cũng kỳ quặc”.

Ông thò tay ra, nói:

- Hãy bắt lấy đại đao của ta!

Ông muốn đích thân kiểm tra võ nghệ của Mục Kính Nham.

Lần này Đỗ Tùng từ Diên An Vệ trở về Giang Nam, còn có hai mươi tên gia đinh thân vệ đi theo.

- Đưa đại đao cho ta.

Bèn có gia đinh thân vệ khiêng thanh đao sống dày nặng chừng tám mươi cân đến cho ông.

Đỗ Tùng vén vạt áo giắt vào thắt lưng, hai tay cầm đao, nhìn chằm chằm vào Mục Kính Nam, trầm giọng nói:

- Để ta xem xem thương thuật của ngươi có thể thực chiến hay không.

Âm thanh đột nhiên vút lên, biến thành một tiếng hét lớn, giống như sấm nổ giữa trời xuân. Cùng lúc đó, thanh đao nặng nề trong tay ông ta quét thành một đường vòng cung, chém xả xuống đầu Mục Kính Nham, nhanh như điện xẹt, mạnh tựa sấm rền.

Mục Chân Chân đứng cạnh Trương Nguyên, thấy một đao của Đỗ Tùng đầy uy lực đánh xuống, tim như muốn nhảy thót ra ngoài, không kìm nổi buột kêu:

- Cha…

Trương Nguyên giữ chặt lấy tay nàng, kéo lùi về sau mấy bước.

Mục Kính Nham thấy một đao của Đỗ Tùng đánh xuống thật ác liệt, nếu dùng đơn thương chống đỡ, thì cả thương lẫn người sẽ bị chẻ làm hai nửa. Nghĩ đoạn bèn lắc người né tránh, tránh được một đao, đang do dự xem có nên vung thương phản kích hay không, thì đã nghe một tiếng “vút” lớn, chiêu thứ hai của Đỗ Tùng lại bổ đến, vẫn không thể chống đỡ được, chỉ có thể né tránh.

Mục Chân Chân đứng bên cạnh nhìn mà kinh hồn động phách, mỗi nhát đao của Đỗ Tùng đều hết sức hiểm độc, giống như muốn chém cha nàng thành hai đoạn mới hả dạ, nàng lo lắng đến mức cứ nắm chặt lấy bàn tay của Trương Nguyên.

Khi chiêu thứ năm của Đỗ Tùng giáng xuống, Mục Kính Nham vội nhảy thối lui về sau, cán thương đột nhiên đụng phải vách tường ở sau lưng, ông ta hoảng sợ biến sắc. Thế đao của Đỗ Tùng quá sắc bén linh hoạt, ông ta dùng hết sức bình sinh né tránh, chẳng ngờ đã lui đến chân tường phía sau, bây giờ thì hết đường lui rồi.

Đỗ Tùng thu đao, trừng mắt nhìn Mục Kính Nham, nói:

- Một đao nữa ta sẽ chém được ngươi.

Mục Kính Nham không khỏi lấy làm hổ thẹn, khom người nói:

- Tiểu nhân võ nghệ thấp kém, không phải là đối thủ của tướng quân.

Đỗ Tùng hừ lạnh một tiếng, giao thanh đao cho thân vệ, quay người lại hỏi Trương Nguyên:

- Trương công tử, có thật là ngươi muốn giao Mục Kính Nham cho Đỗ mỗ?

Trương Nguyên nói:

- Nếu Đỗ tướng quân thấy ông ấy có thể dùng được, thì xin tướng quân hãy đưa ông ấy đi biên quân.

Đỗ Tùng lại nói:

- Trương công tử, ta hỏi thêm một câu, kể từ giờ phút này, Mục Kính Nham sẽ là gia đinh của Đỗ Tùng ta… có phải thế không?

Trương Nguyên biết rằng các tướng lĩnh biên quân đều nuôi dưỡng gia đinh dự trữ, từ Ngô Tam Quế đến Lý Thành Lương cũng đều như vậy. Gia đinh là thân binh tinh nhuệ bậc nhất, lúc tác chiến, đáng tin cậy nhất cũng chính là gia đinh… tất cả những đãi ngộ, khôi giáp, binh khí, ngựa cưỡi của những gia đinh này đều là những thứ tốt nhất trong biên quân. Cái gọi là “nuôi quân ngàn ngày dùng một giờ” chính là nói đến nuôi gia đinh. Biên tướng nuôi gia đinh chính là một sản vật biến tướng trong bối cảnh quân chính bại hoại thời cuối nhà Minh. Tướng lĩnh cắt xén quân lương nuôi gia binh, khiến cho phần lớn các quân sỹ khác bị thiếu quân lương, nên thường ngày khi tác chiến sẽ không chịu liều mạng… một khi gia đinh tan tác, thì quân đội cũng tứ tán. Cho nên mới nói, tuy quân Minh có đến hàng triệu, nhưng trên thực tế, số có thể tác chiến thực sự chỉ chiếm không đến một phần mười. Tuy Trương Nguyên biết những khiếm khuyết này, nhưng hiện tại cũng bất lực, gật đầu nói:

- Đúng vậy, vãn sinh để Mục Kính Nham đi theo tướng quân, chính là muốn ông ấy có thể lập được quân công mà tiến thân.

Đỗ Tùng gật đầu một cái, lại nhìn sang phía Mục Kính Nham, hỏi:

- Ý người thế nào?

Mục Kính Nham quỳ xuống nói:

- Tiểu nhân thề chết đi theo Đỗ tướng quân.

Đỗ Tùng kêu lên một tiếng “tốt”. Đoạn quay lại nói với gia đinh thân vệ:

- Bắt Mục Kính Nham lại, đánh phạt hai mươi quân côn.

Hai tên thân vệ tướng như hổ sói bèn bước tới trước, bẻ quặt cánh tay Mục Kính Nham ra sau, Mục Kính Nham không dám phản kháng, bị ấn ngã xuống đất.

Mục Chân Chân nóng ruột, lắc cánh tay Trương Nguyên, kêu lên:

- Thiếu gia, cha nô tì…

Trương Nguyên khẽ nhíu mày, bây giờ Mục Kính Nham đã là gia đinh của Đỗ Tùng rồi, ông ta muốn đánh muốn chửi Trương Nguyên cũng không có quyền can thiệp. Nhưng tại sao Đỗ Tùng lại làm như vậy, Đỗ Tùng có thể không thu nhận Mục Kính Nham, chứ đâu cần phải đánh ông ta ngay trước mặt chủ cũ như thế này!

Hai tên gia đinh cầm trượng trước khi hành hình còn đưa mắt nhìn Đỗ Tùng một cái… Đỗ Tùng bước chân trái ra mé ngoài một bước nhỏ, hai tên gia đinh bèn hiểu ý, lúc hành hình đánh không nặng cũng chẳng nhẹ. Hai mươi quân côn đánh xuống, mông Mục Kính Nham tướm máu, Mục Chân Chân đứng bên nước mắt chảy không ngừng, rấm rứt khóc…

Đỗ Tùng mở miệng nói:

- Mục Kính Nham, ngươi có biết vì sao ta đánh phạt ngươi không?

Hai tên quân sỹ cầm giữ Mục Kính Nham khi nãy đã đứng sang một bên, Mục Kính Nham quỳ dậy nói:

- Tiểu nhân võ nghệ thấp kém, đáng bị trách phạt.

Đỗ Tùng quát:

- Sai! Ta sao có thể trách phạt ngươi vì võ nghệ của ngươi thấp kém được. Võ nghệ của ngươi không kém, nhưng tính tình yếu đuối, lúc cần phản kích thì do dự, nếu ở trên chiến trường, chỉ một chút do dự đó cũng đủ mất mạng rồi. Loại người nhu nhược như ngươi ta thu nhận thì có tác dụng gì!

Mục Kính Nham cúi đầu:

- Tướng quân trách phạt phải lắm, tiểu nhân nhất định sửa đổi.

Đỗ Tùng thay đổi giọng điệu, hỏi:

- Năm nay ngươi bao nhiêu tuổi?

Mục Kính Nham nói:

- Tiểu nhân ba mươi sáu tuổi.

Đỗ Tùng nói:

- Nếu xét về tuổi tòng quân thì tuổi này của người cũng không còn trẻ nữa, nếu không phải vì nể mặt Trương công tử, ta cũng chẳng thu nhận ngươi. Võ nghệ của ngươi không kém, chỉ cần người chịu nghe theo lệnh của ta, sau này nếu có ngày triều đình đề bạt đến ta, thì sẽ có cơ hội cho ngươi giết địch lập công. Năm nay ngươi ba mươi sáu tuổi, nếu đến năm năm mươi tuổi mà vẫn chưa chết trận nơi sa trường, thì ta sẽ cho ngươi áo gấm hồi hương, đến lúc đó chắc chắn xuất thân của ngươi sẽ không dưới chính ngũ phẩm ngàn hộ.

Mục Kính Nham dập đầu nói:

- Đa tạ Đại tướng quân thu nhận, đa tạ Đại tướng quân cất nhắc.

Trương Nguyên thầm gật gù, Đỗ Tùng này tuy chỉ là một võ tướng ít học, nhưng lại tinh thông thuật thu phục lòng người. Hai mươi quân côn này coi như là đánh phủ đầu hạ uy phong, sau đó lại hứa hẹn tiền đồ tốt đẹp, vừa thi ân vừa thị uy, để thu phục Mục Kính Nham, bằng không ngày sau sẽ khó sai bảo.

Bàn tay phải của Trương Nguyên bị Mục Chân Chân nắm giữ nãy giờ, bây giờ rút ra cử động ngón tay một chút, nói với Mục Chân Chân:

- Xương khớp tay ta sắp bị ngươi bóp nát cả rồi Chân Chân, ngươi lo gì chứ, cha ngươi đã đến dưới trướng của Đỗ tướng quân, đương nhiên sẽ phải nghe theo hiệu lệnh của Đỗ tướng quân.

Lúc này Đỗ Tùng mới để lộ nụ cười trên mặt, sai gia đinh đưa Mục Kính Nham đi thoa thuốc trị thương, vòng tay nói với Trương Nguyên:

- Trương công tử, Đỗ mỗ làm như vậy, Trương công tử không trách chứ.

Trương Nguyên nói:

- Tướng quân có tác phong của bậc danh tướng thời xưa, biết cách nhìn người, hai mươi quân côn này đánh hay lắm. Tuy võ nghệ của Mục Kính Nham không kém, nhưng vì xuất thân từ Đọa dân, từ nhỏ đã bị người ta bức hiếp thành quen, nên khó tránh có chút nhu nhược. Nhưng vãn sinh tin rằng, có Đỗ tướng quân dạy dỗ huấn luyện, Mục Kính Nham chắc chắn sẽ chở thành một viên mãnh tướng.

Đỗ Tùng bật cười ha ha, nói:

- Trương công tử là người rất thông minh, tiền đồ vô lượng, tiền đồ vô lượng. Các vị, xin mời…

Đỗ Tùng nhìn thấy nữ tỳ xinh đẹp mà Trương Nguyên nắm tay, thì đã hiểu vì sao mà Trương Nguyên lại nhiệt tình gửi gắm một gia bộc đến chỗ mình như vậy. Thì ra là muốn cha của nữ tỳ xinh đẹp này có một xuất thân tốt. Xem ra Trương Nguyên rất sủng ái nữ tỳ xinh đẹp này, lúc này, chút hoài nghi còn sót lại trong lòng Đỗ Tùng cũng hoàn toàn tiêu biến hết.

Trương Nguyên, Trương Đại, Vương Hoán Như dùng cơm trưa trong Đỗ phủ xong, Vương Hoán Như xin cáo từ trước, Trương Đại, Trương Nguyên được Đỗ Tùng thịnh tình giữ lại. Đỗ Định Phương lấy ra những bài văn bát cổ đã làm thường ngày, nhờ Trương Nguyên chỉ giáo. Hai người anh trai của Đỗ Định Phương đều làm quan tổng kỳ ở Trấn Hải Vệ, Đỗ Định Phương năm nay hai mươi mốt tuổi quyết định đi theo con đường khoa cử. Ba năm trước đã thông qua kỳ thi huyện và kỳ thi phủ, cũng tính là con người thông minh hiếu học, nhưng hai lần thi sau đều thi rớt.

Trương Nguyên xem qua mấy bài văn bát cổ của Đỗ Định Phương, cảm thấy có phần cứng nhắc, loại văn bát cổ như thế này, nếu vào những năm Gia Tĩnh thì may ra còn có hy vọng thông qua kỳ thi, chứ ở những năm Vạn Lịch, thời mà văn bát cổ và cổ văn giao hòa với nhau như hiện nay, mùi vị văn học nồng đậm, loại văn bát cổ này của Đỗ Định Phương muốn thông qua được khoa cử chẳng phải chuyện dễ. Trương Nguyên xem qua rồi, bèn chỉ điểm cho Đỗ Định Phương nên đọc sách gì, nên bỏ công sức ở phương diện nào.

Trình độ và hiểu biết của Trương Nguyên đối với văn bát cổ thì Vương Hoán Như vẫn còn kém xa. Đỗ Định Phương dường như đột nhiên hiểu ra vấn đề, cảm thấy như những gì mình đã học đều là đồ bỏ đi. Bất giác quỳ thụp xuống, xin bái Trương Nguyên làm thầy, Trương Nguyên vội nói không dám, nói Đỗ Định Phương nhiều tuổi hơn hắn, hắn tuyệt đối không dám làm thầy Đỗ Định Phương.

Đỗ Định Phương van nài, nói:

- Trong số bảy mươi hai hiền nhân cũng có người nhiều tuổi hơn Phu tử, học đạo phải có trước có sau, người giỏi hơn làm thầy, tiên sinh nhất định phải thu nhận đệ tử.

Trương Nguyên trầm ngâm không chịu, Đỗ Định Phương đau khổ cầu xin, Đỗ Tùng cũng nói:

- Trương công tử, đứa cháu này của ta một lòng muốn tìm kiếm công danh thông qua đường khoa cử, mười tám tuổi mới bắt đầu đi học, đầu óc nó cũng không đến nỗi nào, chỉ khổ nỗi không có danh sư chỉ điểm. Mong công tử không chê, mà dạy dỗ cho nó.

Lúc này Trương Nguyên mới nói với Đỗ Định Phương:

- Ngươi phải thủ tang, cũng không tiện ra ngoài, thế này đi, nếu ngươi không chê ta tài sơ học nông, thì cứ mỗi hai tháng một lần, phái người mang mười tác phẩm gần nhất mà người làm đưa đến chỗ ta, ta sẽ bình luận chỉ điểm cho ngươi, thế nào?

Đỗ Định Phương mừng rỡ, bèn lập tức xưng là “học trò”, nói:

- Học trò đang có tang, không dám làm lễ bái sư, hai năm nữa nhất định sẽ đến Sơn Âm, bù lại đại lễ bái sư.

- Ngu xuẩn!

Đỗ Tùng quát:

- Với tài năng của Trương công tử, hai năm sau còn ở Sơn Âm sao.

Đỗ Định Phương tỉnh ngộ, nói:

- Đúng đúng, hai năm nữa nhất định tiên sinh đã có tên trên bảng vàng, học trò nhất định sẽ tới kinh sư đi theo tiên sinh.

Như vậy, một Trương Nguyên mười bảy tuổi thu nhận một học trò hai mươi mốt tuổi.

Buổi sáng ngày hôm sau, Trương Nguyên đến Đỗ phủ cáo từ với Đỗ Tùng, dặn dò Đỗ Định Phương trong thời gian để tang cũng đừng quên đọc sách luyện nghệ, nếu muốn gửi thư thì gửi đến Quốc Tử Giám ở Nam Kinh.

Đỗ Tùng ở lại Trinh Phong Lý không bao lâu, sau khi chôn cất huynh trưởng Đỗ Cối xong bèn khởi hành trở về Diên An Vệ, trung tuần tháng sáu nhất định phải khởi hành, Mục Kính Nham sẽ cùng đi theo lên phương bắc.

Đỗ Định Phương đội dây gai mặc áo tang, không thể ra bến tàu tiễn Giới Tử tiên sinh, chỉ lệnh cho người hầu khiêng một số lễ vật đưa lên thuyền của Trương Nguyên. Mục Kính Nham đương nhiên là phải ra bến tàu để tiễn chủ cũ. Trên bến tàu, Mục Chân Chân quỳ xuống chân cha mình là Mục Kính Nham khóc lớn. Mục Chân Chân từ nhỏ chỉ biết nương tựa vào cha mà sống, trước kia cha có ra ngoài theo sự sai phái thì nhiều nhất năm ngày cũng trở về, nên nàng cũng quen. Nhưng lần này thì khác, lần này cha phải đi đến biên thành xa xôi hơn ngàn dặm, lần từ biệt này, chẳng biết đến bao giờ mới được gặp lại!

Trương Nguyên thấy Mục Chân Chân khóc lóc thê thảm, bèn nói:

- Chân Chân, hay là ngươi hãy ở lại Trinh Phong Lý với cha ngươi thêm vài ngày, đợi sau khi cha ngươi khởi hành rồi hãy đến Nam Kinh, thế nào?

Mục Kính Nham vội nói:

- Vậy đâu được, sớm muộn gì thì cũng phải từ biệt thôi, hơn kém gì vài ngày.

Nói đoạn khẽ vuốt nhẹ búi tóc trên đầu con gái, an ủi nói:

- Chân Chân con đừng buồn, tòng quân nhập ngũ là chí hướng ở đời của cha. May nhờ có Giới Tử thiếu gia thành toàn cho, để ta có cơ hội được đi theo Đỗ tướng quân, nhất định ta sẽ tìm kiếm một xuất thân trong sạch trở về. Con hãy hầu hạ Giới Tử thiếu gia cho tốt, con ở bên cạnh Giới Tử thiếu gia thì cha cũng yên tâm. Được rồi, đừng khóc nữa, lên thuyền với thiếu gia đi, ta muốn nhìn thuyền của các người dời đi.

Trương Nguyên vốn định dặn dò Mục Kính Nham thêm vài câu, nhưng nghĩ đi nghĩ lại lại thôi, cuộc chiến Tát Nhĩ Hử còn năm năm nữa mới xảy ra, hắn vẫn còn thời gian để phát huy tác dụng chiêm tinh của mình. Đỗ Định Phương là học trò của hắn, sau này có liên lạc với Đỗ Tùng cũng không khó, bây giờ có nói với Mục Kính Nham những chuyện đó cũng không có tác dụng gì, ngược lại còn thêm gánh nặng cho ông ta.

Bị Mục Kính Nham thúc giục mấy lần, Mục Chân Chân đành gạt lệ bước từng bước lên thuyền đu, vừa bước vừa quay đầu nhìn lại. Phạm Văn Nhược không đi trên thuyền nhỏ của mình, mà đi cùng trên thuyền của Trương thị, hướng lên bờ vòng tay cáo biệt với Vương Hoán Như. Bốn người thuyền phu nào hay biết nỗi khổ biệt ly của cha con nhà họ Mục, khua động mái chèo, thuyền đu chầm chậm rời bến.

- Cha…

Mục Chân Chân quỳ ở mui thuyền, hai tay chống xuống đất, ngước đầu nhìn, lệ rớt như mưa. Chòm râu vàng của Mục Kính Nham khẽ rung động, bước tới nửa bước, nhưng rồi lại dừng lại, lớn tiếng nói:

- Chân Chân, cha phải đi tìm kiếm tiền đồ, cha con ta sớm muộn cũng có ngày gặp lại, con đừng khóc, đừng khóc. Con ở bên cạnh thiếu gia, nhớ phải chăm chỉ sớm chiều, không được lười biếng, sau này có thiếu phu nhân vào nhà, còn càng cần phải hầu hạ cẩn thận, không được nghỗ nghịch, có nghe thấy không?

Mục Chân Chân nghẹn ngào nói:

- Con nghe rồi…

Mục Kính Nham lại gọi:

- Giới Tử thiếu gia…

Đoạn quỳ sụp xuống đất nói:

- Thiếu gia, Chân Chân từ nhỏ đã không có mẹ, không được dạy dỗ, sau này nếu có chỗ nào làm sai, thiếu gia cứ việc trách phạt nó, chỉ xin cậu đừng đuổi nó ra khỏi nhà, nó chẳng còn nơi nào để đi cả.

- Xin Mục thúc mau mau đứng lên.

Trương Nguyên đưa tay đỡ Mục Chân Chân đứng lên, nắm lấy bàn tay thô ráp của thiếu nữ Đọa dân này, nói với Mục Kính Nham:

- Mục thúc yên tâm, Chân Chân là người của đông Trương ta, ta sẽ đối xử tốt với cô ấy.

Mục Kính Nham nở nụ cười, dập đầu với Trương Nguyên một cái:

- Tiểu nhân bái biệt thiếu gia, thiếu gia hãy bảo trọng.

Lúc này thuyền đã rời bến vài trượng, bắt đầu xoay đầu, Trương Nguyên cất giọng nói:

- Mục thúc đi theo Đỗ tướng quân, phải chăm chỉ luyện tập cưỡi ngựa bắn cung, ra trận giết địch phải can đảm cẩn trọng. Nếu cháu trai nhà họ Đỗ có gửi thư đi biên quan, thì ta cũng cho Chân Chân viết thư gửi theo cho thúc.

Mục Kính Nham vui vẻ nói:

- Đa tạ thiếu gia, đa tạ thiếu gia.

Lúc này y mới chịu đứng dậy.

Chiếc thuyền đã xoay đầu xong, hôm nay có gió đông nam, hai thuyền phu đã giương buồm lên, mượn sức gió để giảm bớt sức chèo. Mục Chân Chân nơi mui thuyền không còn nhìn thấy bóng dáng Mục Kính Nham cha mình nữa, nàng vội chạy ra phía đuôi thuyền, thấy cha vẫn còn đang đứng dưới cái nắng gắt nơi bến tàu, bèn vừa khóc vừa kêu:

- Cha, cha hãy bảo trọng.

Mục Kính Nham thấy không còn gì cần nói nữa rồi, nên vẫy vẫy tay với con gái.

Gió thổi buồm căng, thuyền đu nhanh chóng ngoặt qua khúc sông, không còn nhìn thấy bến cảng Trinh Phong Lý nữa. Mục Chân Chân thẫn thờ đứng nơi mui thuyền, hướng mắt nhìn về vùng sông nước càng lúc càng xa nơi kia, nước mắt chảy không ngừng. Đột nhiên bàn tay bị ai đó nắm chặt, tiếng thiếu gia vang lên:

- Chân Chân đừng buồn, tòng quân lập công là mong ước của cha ngươi, nếu không thử sức một phen, cả đời ông ấy sẽ không cam đâu.

Mục Chân Chân khẽ nghiêng đầu lại nhìn thiếu gia, hai mắt ầng ậng nước, gật đầu “ừ” một tiếng, trong lòng cảm thấy yên tâm phần nào. Nhưng ánh mắt nàng vẫn hướng về phía bến cảng Trinh Phong Lý trông ngóng, cứ như thể cha nàng có thể sải bước đuổi kịp tới không bằng.

Thuyền đu đi vào sông Bạch Hiện, nữ lang Vương Vi đi đến khoang sau, nói với Mục Chân Chân:

- Chân Chân muội muội, đến khoang của ta nói chuyện một chút có được không?

line-break'>

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.