Lẳng Lơ Tao Nhã

Chương 164: Chương 164: Như quỷ như trộm




Đêm khuya yên tĩnh, Mục Chân Chân dùng tăm trúc khêu ngọn đèn sáng hơn một chút, nàng ngồi dưới ngọn đèn đọc “Tả truyện”, chữ nào không hiểu thì dùng bút lông ngỗng viết lại lên một tấm giấy trúc để ngày mai tới hỏi Đại tiểu thư Nhược Hy. Bút lông này là do Trương Nguyên chế tạo ra, mấy ngày trước những người bị Diêu Phục ức hiếp đem biếu hắn mười mấy con ngỗng, hắn đã dùng lông ngỗng để làm bút, chữ viết ra mặc dù nhìn nét cũng cưng cứng, nhưng vẫn khá dễ nhìn. Đọc được mấy trang đã thấy buồn ngủ, Mục Chân Chân liền đứng dậy ra chỗ giếng trời ngoài cửa đứng một lúc. Trăng non đã bắt đầu nhú lên từ phía góc Tây Bắc ngôi nhà. Có ánh đèn hắt ra từ ba gian phòng tại lầu Nam, trong màn đêm yên tĩnh và thanh bình, nếu chú ý lắng nghe thì có thể nghe rõ tiếng phu nhân và đại tiểu thư đang nói chuyện.

Trở lại phòng ngủ của thiếu gia, trên chiếc giường gian ngoài, Vũ Lăng đang cất lên tiếng ngáy khe khẽ, thiếu gia ở phòng trong thì chẳng thấy động tĩnh gì. Mục Chân Chân nghĩ thầm, lúc ngủ cũng phải phát ra tiếng động gì chứ, chẳng lẽ thiếu gia không ngủ hay sao?

Đang mông lung suy nghĩ thì chợt nghe tiếng thiếu gia nói vọng ra:

- Chân Chân, qua đây thắp đèn lên đi.

Mục Chân Chân bưng chiếc đèn sứ men xanh đi vào phòng trong, thắp chiếc đèn trong phòng thiếu gia lên. Ánh sáng ngay lập tức tỏa ra khắp căn phòng, rèm của chiếc giường sơn đen mạ vàng vẫn buông, thiếu gia còn đang trên giường, Mục Chân Chân hỏi:

- Thiếu gia không ngủ được sao?

- Ban nãy ta cũng thiếp đi được một lát.

Trương Nguyên đầu tóc rối bù chui ra khỏi màn, xỏ chân vào giày., Mục Chân Chân vội vàng tiến lên móc hai bên rèm lên giúp hắn.

Trương Nguyên hỏi:

- Đã gõ tiếng trống canh ba rồi nhỉ.

Mục Chân Chân đáp:

- Vâng, trống vừa mới gõ thôi ạ.

Trương Nguyên nói:

- Vậy ta cũng dậy luôn thôi, dù sao cũng không ngủ được, lát nữa còn phải sang gọi Đại huynh Tây Trương nữa.

Trương Nguyên khoác bộ nho phục màu xanh lên người, Mục Chân Chân giúp hắn chải đầu, búi thành một búi tó trên đỉnh đầu rồi dùng một tấm khăn lưới cố định bên ngoài. Trương Nguyên sờ sờ tấm khăn lưới, cười nói:

- Chân Chân chải đầu thật khéo, cảm giác rất căng. Đàn ông có ba thứ cần phải căng, đó là đầu căng, hông căng, chân căng.

Chợt nghe có tiếng người từ hậu viện kêu lên:

- Giới Tử, Giới Tử.

Trương Nguyên lên tiếng:

- Là người bên nhà Tây Trương sao?

Rồi hắn đứng dậy hướng bước về phía hậu viện, thấy dưới ánh trăng bàng bạc có mấy người tay xách đèn lồng đang đứng bên ngoài bờ tường. Chỗ đó đang chuẩn bị xây nhà nên chất nhiều đất cát và đá xanh, ban đêm đi lại ở đây cũng khá là nguy hiểm.

Mục Chân Chân bước nhanh ra mở cổng hậu viện. Trương Đại, Trương Ngạc và mấy người hầu liền tiến vào. Trương Đại cười nói:

- Giới Tử đệ không ngủ được à, ta cả đêm nay cũng chưa chợp mắt được chút nào, liền ngồi đánh cờ, chơi ném thẻ vào bình với Yến Khách và bọn Phạm tiên sinh.

Trương Nguyên thở dài nói:

- Làm phiền Đại huynh rồi, vất vả cho huynh quá!

Trương Ngạc nói:

- Sao Giới Tử lại không cảm tạ ta được lấy một lời thế, ta còn vất vả hơn huynh ấy kia.

Trương Nguyên cười nói:

- Phải, phải, Tam huynh cũng vất vả.

Huynh đệ ba người từ bên chỗ giếng trời đi tới tiền sảnh. Mục Chân Chân và Thỏ Đình bưng trà lên. Dưới bếp, Thúy Cô và hai vú già đã làm bánh nhân thịt. Trương Nguyên dặn họ làm nhiều đồ ăn một chút để mời Đại huynh, Tam huynh ở lại cùng ăn.

Trương Đại kể chuyện thi phủ mấy năm trước của y. Lúc đó y mới mười một tuổi, được người hầu cõng tới trường thi. Thạch Song bước tới mời ba vị thiếu gia qua tiểu sảnh bên cạnh dùng đồ ăn, ăn xong đã nghe từ phía tiều lầu vọng tới bốn tiếng trống. Cách đó không xa, bên phủ học cung cũng đã có tiếng người huyên náo. Hai huyện Sơn Âm, Hội Kê có ba nghìn nho đồng dự thi, sắp bước vào trong lều thi rồi. Vũ Lăng lúc này cũng mang giỏ trúc ra, bên trong có bút, mực, giấy, nghiên mực, một bình sứ đựng nước và một ổ bánh mật ong. Hồi thi huyện, Vũ Lăng cũng chuẩn bị cho hắn y hệt như thế. Trương Nguyên tới nội viện chào mẫu thân và tỷ tỷ một tiếng rồi cùng đại huynh Trương Đại, tam huynh Trương Ngạc bước ra cửa. Trương Ngạc là đi để xem náo nhiệt, chỗ nào có náo nhiệt là không thiếu bóng dáng gã bao giờ.

Mảnh trăng non lưỡi liềm đã hạ xuống phía tây Long Sơn, màn đêm bao trùm khắp không gian. Thạch Song và Mục Kính Nham nâng cao đèn đi trước soi đường. Tới phía bắc phủ học cung thì đã thấy vô số cây đèn cũng đang đua nhau tỏa sáng, rực rỡ hơn cả sao trời, cảnh tượng coi bộ còn náo nhiệt hơn cả hội đèn lồng lần trước. Những chiếc đèn với đủ mọi hình dáng màu sắc, hầu hết đều viết những chữ rất lớn và bắt mắt bên trên, cái thì viết địa danh, cái thì viết danh tính của thục sư, cái thì lại viết tên của Lẫm bảo. Đám nho sinh đi thành từng đám riêng lẻ, giờ tập trung lại dưới ánh đèn. Lều thi của kì thi phủ Thiệu Hưng to hơn lều thi trong kì thi huyện Sơn Âm, có thể chứa được một lúc hơn ba ngàn thí sinh cùng tham gia thi. Chính đường có năm gian, phía trước là hiên, hai bên là chiếu nghỉ, hai bên Đông Tây mỗi bên có mười một gian. Môn phòng, tạo phòng mỗi phòng có ba gian. Lều thi phủ là nha môn lâm thời của quan Đề Học, kỳ thi tuế và thi khoa mà quan Đề Học chủ trì thử, cũng ở trong lều này. Hai bên lều mỗi bên đều có một cửa lớn, trong cửa lớn đó có một đại viện, các đồng sinh dự thi đều phải ở đó đợi điểm danh, đi xuyên qua qua đại lục viện, hướng về phía bắc là tới đại sảnh đường, Thiệu Hưng Tri phủ Từ Thời Tiến ở đại sảnh gọi tên điểm danh, Lẫm bảo xác nhận đúng không có sai sót gì thìqua chỗ tiểu quan để lấy giấy thi, sau đó lại tới chỗ lục soát đợi khám xét . Đợi được một khắc thì điểm đến tên Trương Nguyên. Hắn bước lên chắp tay trước ngực thi lễ với Từ Tri phủ. Từ Tri phủ mỉm cười gật đầu nói:

- Trương Nguyên, bản phủ chờ xem bài làm của ngươi, đi lĩnh bài thi đi.

Trương Nguyên nhận bài thi, quay sang phất tay với đám người Trương Đại, Trương Ngạc, rồi bước tới chỗ lục soát để kiểm tra trước khi vào trường thi. Thi phủ kiểm tra cũng nghiêm ngoặt hơn thi huyện, không những phải cởi hết cả quần áo giày dép mà búi tóc cũng phải tháo tung ra để kiểm tra. Sau khi bị kiểm tra lục soát như vậy thì đám nho sinh dự thi kẻ nào kẻ nấy đầu tóc rối bù, quần áo xộc xệch, bước vào trường thi mà hai tay xách giày, bộ dạng lôi thôi lếch thếch chẳng khác nào quân trộm cướp đầu đường xó chợ. Điều này quả thực không được nho nhã chút nào. Người tham gia thi nhiều lần cũng trở nên thô tục hơn, muốn giữ được vẻ nhã nhặn khí khái cũng khó. Chẳng trách Minh triều diệt vong, quan lại chết vì nghĩa lại ít như thế. Đều là vì mỗi lần tham gia khoa cử như vậy thì lễ tiết lại bị mài mòn đi một chút, người lịch sự phong nhã cũng trở thành nhếch nhác, lôi thôi. Nhưng đây âu cũng là điều bất đắc dĩ, tệ nạn trong thi cử mỗi ngày một biến hóa đa dạng hơn, thấy nhiều thì cũng thành quen, không kiểm tra lục soát gắt gao nghiêm túc không được. Để cho đám thí sinh kia gian lận một cách ung dung thoái mái thì không công bằng với người khác, bởi vậy nên đành phải để cho những thí sinh ngay thẳng tạm chịu thiệt một chút vậy. “Hy vọng ta thi phủ, thi viện, thi hương, thi hội đều có thể một lần thông qua luôn, khi thi đình chắc không cần cởi quần áo nữa.”

Trương Nguyên nghĩ như vậy, gã cởi đai lưng, tháo giày, khi định tháo nốt tấm khăn lưới cột búi tóc xuống thì nghe tiểu quan phụ trách lục soát nói:

- Không cần, Trương công tử có thể vào trong rồi.

Trương Nguyên thầm nghĩ: “ Nha tư này nhận ra ta, tốt lắm, búi tóc này mà tháo ra rồi, lúc búi lại thì phiền toái lắm.”

Rồi hắn gật đầu với gã nha tư, đội lại tấm khăn lưới. Một gã nho sinh khác đang cuộn bừa mái tóc rối bù vào trong mũ, thấy Trương Nguyên không phải tháo tóc thì lập tức kêu lên:

- Bất công quá!

Nha tư kia quát:

- Cái gì mà bất công, vị Trương công tử này là Sơn Âm án thủ thi huyện, ngươi có phải không?

Nho đồng kia lập tức xị mặt xuống, lầu bầu:

• Án thủ thìkhông phải qua lục soát sao, quy tắc này ở đâu ra vậy?

Dù chỉ không phải tháo búi tóc ra nhưng Trương Nguyên trong lòng cũng cảm thấy dễ chịu hơn rất nhiều. Ai chẳng thích được nhận đặc quyền! Hắn buộc lại đai lưng, nâng giỏ bước vào trường thi, nghe thấy tiểu quan phía sau lớn tiếng nói:

- Tìm đúng vị trí ngồi, không được giành vị trí của người khác.

Trương Nguyên thầm nghĩ: “Thi phủ không được giành chỗ ngồi ư?”

Hắn rút giấy thi từ trong giỏ ra, soi dưới ánh đèn lồng Long Môn để xem, trên giấy ghi “Lều Chấn đường, ghế giáp thân”

Lều thi trong kì thi phủ Thiệu Hưng được gọi theo kiểu bát quái, tất cả có tám đường, mỗi đường có thể chứa tới bốn trăm người, đánh số thành bốn khu Đông Tây Nam Bắc riêng biệt. Trương Nguyên tìm được lều Chấn Đường ở số Nam, rồi lại tìm trong dãy bàn dài dằng dặc đó ghế đề tên “Giáp Thân”, bởi vì số Nam có một trăm chỗ, tức là đã quá sáu mươi giáp rồi nên mỗi số ghế lại phải phân ra thành Ất – Giáp. Bên ghế Ất đã có người ngồi, đó là một lão nho đồng râu tóc hoa râm, thấy Trương Nguyên đến, lão khách khí chắp tay thi lễ, lại còn hơi dịch sang một chút.

Trương Nguyên vừa ngồi xuống băng ghế dài, chợt nghe tiếng kẽo kẹt vang lên. Chỗ bàn ghế này đều là của công nên chắc chắn là đã bị “bòn rút” đi không ít, mặt bàn mặt ghế rất mỏng, gia công qua loa cẩu thả, mà toàn bộ bàn và ghế ở mỗi hàng đều dùng những thanh tre đóng liền vào với nhau, muốn dịch chuyển một chút cũng không được, khẽ cựa cả bộ bàn ghế sẽ lập tức lay động theo. Trường thi của kì thi phủ này còn không bằng kì thi huyện Sơn Âm.

Lều thi Chấn đường lớn đến độ chứa được 400 người thi mà chỉ có vẻn vẹn hai cây đèntreo ở phía trước và sau. Đám nho sinh sau khi trải qua “trận” lục soát gắt gao thì lần lượt bước vào trong lều, tóc tai rối bời, bù xù chẳng khác nào đám âm hồn di động, may mà trời cũng đã sáng dần, sau khi đám thí sinh cơ bản đã có mặt đông đủ thì trời cũng đã sáng hẳn. Nha dịch liền mang đèn đi.

Thí sinh thì đông mà chỗ ngồi thì chật. Chiếc bàn trước mặt mỗi người chỉ được phân vẻn vẹn có hai thước, chỉ đủ để đặt nghiên mực và bài thi. Trương Nguyên có chỗ rồi nên ung dung ngồi xuống, nhắm mắt dưỡng thần, yên lặng chờ cánh cửa Long Môn đóng lại.

Ước chừng đã qua một khắc thì thấy tiếng trống “thình thình” vang lên. Cửa Long Môn đã bị khóa lại, cả lều thi bỗng chốc lặng ngắt như tờ, tất cả các thí sinh đều nín thở chờ phủ tôn đại nhân ra đề.

Lại qua một khắc nữa, có một thư sử chạy vào Chấn đường. Theo sau là một gã sai dịch, gã giơ đề bài lên, đám thí sinh đồng loạt đứng lên thò đầu nghển cổ tranh nhau xem đề, reo lên:

- Đề thứ nhất là “Triệu Mạnh chi sở”

Trương Nguyên thị lực không tốt, ngồi ở xa nên không thấy rõ được đề bài, nghe tiếng reo “Triệu Mạnh chi sở”, hắn thầm nghĩ: “Đây là câu nói của Mạnh Tử, có thể coi là kiểu ra đề rút gọn. Nguyên văn câu đó là “Triệu mạnh chi sở quý, triệu mạnh năng tiện chi “ , ý là cái quý của con người ta là khi được không quá vui mừng đắc ý mà khi mất cũng không quá buồn phiền lo âu.

Trương Nguyên đang suy ngẫm câu “Triệu mạnh chi sở “ này thì chợt nghe tiếng một nho sinh nói:

- Đề thứ hai là “Quân tử dụ vu nghĩa.

Trương Nguyên vừa nghe vậy thì vô cùng mừng rỡ, đây chính là đề “Quân tử dụ vu nghĩa, tiểu nhân dụ vu lợi “ mà hôm trước Vương Anh Tư đã đoán đề tự làm trước. Đây là câu trong “Luận Ngữ”, ha ha, học tủ dễ như vậy sao, hành vị gian lận kiểu như tiết lộ đề trước khi mở thi sẽ bị trừng trị nghiêm khắc theo quy định, còn đoán đề tự làm trước thì không có cách nào giám sát được. Vị giám khảo coi thi đọc to lại đề tứ thư một lần nữa rồi hỏi xem tất cả các thí sinh đã nghe được rõ đề thi hết chưa. Đám nho sinh rầm rầm hô “Nghe rõ rồi”, nhưng lại có một nho sinh lên tiếng:

- Đề “Quân tử dụ vu nghĩa, dã tựu bãi liễu” thì không có gì, nhưng còn đề “Triệu mạnh chi sở” thì khó quá khó hơn hẳn hai đợt trước, vậy là không công bằng.

Vì thi phủ Thiệu Hưng có rất nhiều thí sinh tham gia nên không thể thi cùng trường thi, bắt buộc phải tách ra thành các đợt thi khác nhau, đã thi tách như vậy thì không thể dùng chung đề thi, mà đề thi khác nhau thì rất dễ bị chỉ trích là ra đề không công bằng. Các thí sinh khác trong Chấn đường nghe tiếng hô như vậy thì cũng thi nhau kêu đề ra bất công. Giám thị coi thi quát:

- Ba đợt thi đều là đề “Tứ thư”, mà cùng là kiểu đề rút gọn, có gì mà bất công? Ai nói bất công thì đứng ra, ta dẫn đi gặp phủ tôn đại nhân, để phủ tôn đại nhân ra đề khác cho làm, nào, đứng ra coi!

Tất nhiên là không ai dám đứng ra, ai đứng ra người đó xui xẻo, chắc chắn sẽ bị hủy bỏ tư cách thi, bị đuổi ra khỏi trường thi ngay lập tức.

Ngay lập tức cả lều thi chỉ còn nghe được tiếng mài mực, tiếng mở giấy, cũng có tiếng lầm bầm oán giận khe khẽ nhưng nhìn chung kì thi đã được tiến hành một cách khá thuận lợi.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.