Liêu Trai Chí Dị

Chương 55: Chương 55: Hoa Sen Mùa Lạnh




Hàn nguyệt phù cừ

Tế Nam có một đạo nhân, không biết quê quán ở đâu, cũng không rõ họ tên là gì, mùa đông hay mùa hè đều mặc một chiếc áo mỏng, thắt một sợi dây lưng màu vàng, ngoài ra không còn quần áo gì khác. Ông ta thường chải đầu bằng nửa miếng lược gỗ, chải xong lại cài vào tóc, làm như đội mũ; ngày ngày đi chân đất lang thang ngoài chợ, đem thì ngủ ở đầu đường. Quanh chỗ ông ta nằm khoảng vài thước, băng tuyết tan hết. Khi mới đến đất Tế, ông thường làm trò ảo thuật cho mọi ngườixem, người trong phố tranh nhau cho tiền. Có mấy tên vô lại trong ngõ, đem rượu tới, xin ông truyền phép cho, không nghe. Gặp lúc đạosĩ tắm dưới bến sông, chúng sấn lại ôm áo dấu đi để bắt bí. Đạo sĩ chắp tay vái nói:

- Xin trả lại cho, sẽ không tiếc gì mà không truyền phép thuật.

Tên vô lại sợ ông dối, cứ khư khư không chịu buông. Đạo nhân hỏi:

- Có thực không chịu trả không?

Đáp: Thực.

Đạo nhân nín lặng không nói gì với hắn nữa. Phúc chốc chiếc dây lưng vàng hóa thành con rắn, khoanh to bằng vài nắm tay, quấn lấy mình tên kia đến sáu bảy vòng, trừng mắt ngóc đầu thè lưỡi nhìn hắn. Tên kia kinh hoảng, quì xuống, mặt xanh nhợt, thở hổn hển, van xin cứu mệnh. Đạo nhân bèn lấy lại chiếc thắt lưng, thì té ra vẫn là thắt lưng, không phải rắn; ngoài ra còn một con rắn khác thì ngoằn ngoèo bò vào thành.

Vì thế danh tiếng của đạo nhân càng lừng lẫy. Các nhà quyền quý nghe thấy lạ, mời đến, cùng ông giao du. Từ đấy ông thường qua lại nhà các tiên sinh trong làng. Các vị quan to trong hạt đều nghe danh, mỗi khi có yến tiệc thường dắt đạo nhân đi cùng.

Một hôm, đạo nhân thết tiệc ở ngôi đình thủy tạ để đáp lễ các quan. Tới ngày hẹn các quan khách đều nhận được thiếp mời của đạo nhân để trên án thư, mà không biết từ đâu tới. Quan khách tới nơi, đạo nhân bước ra cung kính đón tiếp. Vào bên trong, thấy thủy đình trống rỗng, im lặng như tờ, bàn ghế cũng chưa kê, đều ngờ là lừa gạt. Đạo nhân thưa với các quan rằng:

- Bần đạo không có người hầu phiền các ngài cho mượn mấy người tùy tùng đỡ tay một lút.

Các quan xin vâng. đạo nhân vẽ lên vách hai cánh cửa, lấy tay gõ, nghe bên trong có tiếng thưa, liền rút then nâng cửa lên. Mọi người đổ xô ngó vào, thấy bên trong thấp thoáng những người qua lại. Bình phong rèm cửa, bàn ghế đều đủ cả. Rồi có người truyền đem tất cả mọi thứ ra cửa ngoài. Đạo nhân sai bọn người hầu của các quan đỡ lấy bày ra giữa đình, lại dặn đừng nói chuyện với những người bên trong. Hai bên trao nhận chỉ nhìn nhau mà cười. Giây lát mọi thứ trang hoàng bày chật cả thủy đình, lịch sự đến cùng cực. Thế rồi rượu ngon tỏa hơi ngào ngạt, mùi chả nướng thơm lừng, đều là những thứ từ trong vách đưa ra cả. Tân khách không ai không kinh dị.

Nhà thủy đình vốn xây lưng ra mặt hồ. Hằng năm vào tháng sáu, hoa sen nở chạy dài vài mươi khoảnh, bát ngát không thấy bờ. Nhưng bấy giờ đương vào tiết đông, ngoài cửa sổ chỉ thấy mênh mông làn khói biếc. Chợt một vị quan than rằng:

- Hôm nay được hội tụ tưng bừng (1), chỉ tiếc không có hoa sen tô điểm!

Mọi người cùng đồng thanh phụ họa. Phúc chốc một tên lệ mặc áo xanh chạy vào bẩm:

- Lá sen đã phủ kín mặt hồ rồi!

Cả bàn tiệc cùng kinh ngạc, đẩy cửa sổ trông ra, quả thấy đầy tầm mắt đều là lá non xanh biếc, chen lẫn với những bông sen. Rồi chỉ trong khoảng chớp mắt, muôn nghìn đóa sen nở tung một lượt, một làn gió bấc thổi tới, hương thơm ngào ngạt thấm tận tâm can. Mọi người đều lấy làm lạ lùng. Sai một tên nha lại chèo thuyền ra hái sen, đứng xa trông thấy thuyền vào tít giữa hồ sen, một lát bơi về tay không lên trình quan. Quan hỏi, nha lại thưa rằng:

- Tiểu nhân chèo thuyền đi, thấy hoa ở phía xa xa, dần dần sang tới bờ phía Bắc, ngoảnh lại, lại thấy xa tắp mãi tận phía Nam.

Đạo nhân cười nói:

- Đó chỉ là những bông hoa ở trong ảo mộng.

Không bao lâu, tiệc rượu tàn, hoa sen cũng tả tơi héo úa. Gió bấc vụt nổi lên làm gãy hết các cuống lá, không còn một cây nào sót lại.

Quan án Tế Đông bằng lòng lắm, dắt đạo sĩ về dinh, hàng ngày vui chơi tiêu khiển. Một hôm quan cùng khách uống rượu. Nhà quan vốn có một thứ rượu ngon gia truyền, mỗi lần uống chỉ lấy ra một đấu, không chịu cho uống phí. Hôm ấy khách uống ngon miệng, cố đòi dốc thêm vò rượu, quan khăng khăng chối từ, lấy cớ rượu đã nhẵn. Đạo nhân cười bảo khách rằng:

- Các ngài nếu muốn uống cho thỏa, cứ hỏi bần đạo này là được.

Khách vâng ngay. Đạo nhân cầm hồ bỏ trong tay áo, giây lát lấy ra, rót khắp một lượt, chẳng khác gì thứ rượu quan dấu trong nhà. Ai nấy say sưa thỏa thích mới thôi.

Quan đâm ngờ, vào nhìn bình rượu, thì dấu niêm phong hãy còn nguyên, mà rượu đã không còn một giọt. Trong bụng vừa thẹn vừa giận, lấy cớ là yêu quái, cho bắt đạo sĩ đánh đòn. Gậy vừa quất vào, quan cảm thấy đùi mình thốt nhiên đau buốt; đánh thêm một hèo nữa, thịt đùi tưởng như muốn toạt ra. Dưới thềm tuy đạo nhân cất tiếng kêu rên, nhưng trên công đường, quan án đã chảy máu đầm đìa. Quan bèn truyền dừng tay, không đánh nữa và đuổi đạo nhân đi. Đạo nhân bèn rời khỏi đất Tế, không biết là đi đâu. Sau có người gặp ở Kim Lăng, cách ăn mặc vẫn như cũ. Hỏi, chỉ cười không nói.

MỘNG TIẾN dịch

Chú thích(1) có bản: “cảnh đẹp thế này”

hết: Hoa Sen Mùa Lạnh, xem tiếp: Vụ Án Bài Thơ

CHương 56: Vụ Án Bài Thơ

Thi Nguyệt

Người dân Thanh Châu (1) là Phạm Tiểu Sơn làm nghề buông bút, đi buôn chưa về. Khoảng tháng tư vợ là Hạ thị ở nhà một mình, đêm bị cướp giết chết. Đêm ấy mưa phùn, giữa bùng rơi một chiếc quạt đề thơ là thơ của Vương Thạnh tặng Ngô Phi Khanh. Không biết thạnh người ở đâu, còn Ngô là một người giàu có ở Ích Đô, cùng làng với Phạm, thường ngày hay có hành vi thiếu đứng đắn, bởi vậy hàng xóm đều tin Ngô là thủ phạm. Quan huyện bắt lên tra hỏi, một mực không nhận, gông cùm thảm khốc rồi bị vu mà thành án. Tra đi xét lại, trải hơn mười vị quan cũng không ai nghị án khác đi. Ngô nghĩ mình ắc chết bèn dặn vợ dốc hết của nhà ra giúp đỡ những người cô quả. Ai ngoảnh mặt vào cửa niệm Phật một nghìn lần thì được quần bông, niệm đến vạn lần thì được áo bông, thế là những kẻ ăn xin kéo đến đông như chợ, tiếng khấn Phật vang dài đến chục dặm, do vậy nhà nghèo đi rất nhanh, chỉ còn cách ngày ngày bán ruộng đất để chi dùng.

Ngô ngầm mua chuộc người coi ngục để nhờ mua hộ thuốc độc. Đêm ấy, Ngô nằm mộng thấy một vị thần bảo rằng: “Nhà ngươi chớ vội chết, ngày trước bên ngoài hung thì nay bên trong cát rồi!” Ngủ thiếp đi vẫn mơ thấy nói thế, bèn không quyết chết nữa.

Ít lâu sau, ông Chu Nguyên Lượng (2) về trấn thủ vùng này. Thẩm tra lại các án tù, đến Ngô, ông có chiều suy nghĩ, nhân đó hỏi rằng:

- Tên Ngô giết người có chứng cớ xác thực không?

Phạm trả lời là có quạt. Ông Chu xem kỹ cái quạt rồi hỏi:

- Vương Thạnh là người nào?

Tất cả đều không biết. Ông lại lấy tờ cáo trạng ra xem kỹ một lượt rồi lập tức ra lệnh tháo cùm tử tù cho Ngô, từ nhà giam chuyển ra cho ở nhà kho.

Phạm cố tranh cãi, ông giận dữ mắng rằng:

- Nhà ngươi muốn giết oan một người cho xong hay là muốn tìm cho ra kẻ thù thì mới cam lòng?

Mọi người nghi ông có tư tình với Ngô nhưng đều không dám nói. Ông bèn lâý cái thẻ màu đỏ cho bắt ngay người chủ quán ở Nam Quách. Chủ quán sợ hãi không hiểu nguyên do. Khi chủ quán đến, ông hỏi rằng:

- Trên vách quán nhà anh có bài thơ của Lý Tú người ở Đông Quan; Lý viết khi nào vậy?

Đáp rằng:

- Năm ngoái quan đốc học đến kiểm tra, có hai ba thầy tú tài ở Nhật Chiếu uống say rồi đề thơ, không biết họ ở làng nào.

Ông sai nha dịch đến đất Nhật Chiếu bắt Lý Tú. Mấy ngày sau Tú đến, ông giận dữ hỏi:

- Đã là tú tài, sao còn mưu giết người?

Tú rập đầu ngơ ngác đáp:

- Không hề có chuyện ấy!

Ông sai ném cái quạt xuống, sai Tú tự xem rồi nói:

- Rõ ràng là thơ của ngươi, sao dám nói dối là của Vương Thạnh?

Tú xem kỹ rồi thưa:

- Thơ quả do tôi làm, chữ thực không phải tôi viết.

Ông bảo:

- Kẻ nào đã viết thơ của ngươi thì ắt kẻ đó là bạn của ngươi. Ai lả người viết?

Tú đáp:

- Xem nét chữ chừng như Vương Tá ở Nghi Châu.

Ông sai nha dịch bắt giữ Vương Tá. Tá đến, ông cũng quát hỏi như đối với Tú. Tá khai rằng:

- Ấy là người buôn sắt ở Ìch Đô là Trương Thành khẩn cầu tôi viết và có nói Thạnh là anh họ ông ta.

Ông nói:

Thằng cướp đây rồi!

Cho bắt Thành đến, vừa tra hỏi hắn đã phải nhận ngay.

Trước đó, Thành trộm thấy Hà thị đẹp, muốn gợi tình nhưng sợ việc không xong, mới nghĩ cách mượn tên Ngô thì ắt mọi người đều tin, cho nên mới giả làm chiếc quạt của Ngô rồi cầm theo. Nếu việc thành thì tự nhận là mình, không thành thì gán cho Ngô, nhưng thực lòng không ngờ đến nỗi giết người. Hắn leo tường vào cưỡng bức người thiếu phụ. Thiếu phụ vì sống có một mình nên thường để sẵn dao tự vệ. Khi phát giác, túm lấy áo Thành rồi rút dao ngồi dậy. Thành sợ giật lấy dao, còn thiếu phụ thì cứ cố níu không cho thoát, lại kêu ầm lên. Thành càng cuống bèn đâm chết rồi vứt quạt bỏ đi.

Vụ án oan uổng ba năm trước chỉ một sớm mà rửa được oan, ai cũng khen ông sáng suốt như thần. Ngô lúc bấy giờ mới tỉnh ngộ “bên trong cát” là chữ Chu (3) 周 , nhưng rốt cuộc vẫn không hiểu vì sao ông biết là oan. Sau đó, một vị thân hào trong làng thừa dịp hỏi ông, ông cười mà rằng:

- Điều ấy dễ biết lắm. Đọc kỹ tờ cáo trạng thì Hà thị bị giết vào thượng tuần tháng tư. Đêm ấy mưa phùn, tiết trời còn lạnh, quạt là thứ không cần thiết, thủ phạm há vào lúc vội vàng cấp bách còn mang theo cho phiền lụy thêm sao? Đủ biết là nhằm giá họa vậy. Trước đây nhân lúc trú mưa ở Nam Quách, thấy bài thơ đề trên vách quán, khẩu khí tương tự bài thơ đề trên quạt, do đó cứ đồ chừng là chàng họ Lý, quả nhiên nhân đó mà rìm ra tên cướp thật.

Ai nghe chuyện cũng đều thán phục.

PHẠM TÚ CHÂU dịch

Chú thích(1) Thanh Châu: một trong chín châu thời xưa ở TQ, nay thuộc tỉnh Liêu Ninh. Nhưng Thanh Châu cũng là tên một phủ của tỉnh Sơn Đông.

(2) Chu Nguyên Lượng: nhân vật có tên thật là Lượng Công, hiệu là Lịch Viên, người Tường Phù tỉnh Hà Nam, từng làm thị lang Hộ Bộ.

(3) “bên trong cát” chỉ họ của ông Nguyên Lượng 周

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.