Phán Quan

Chương 88: Chương 88




Bên A Tề thế mà lại hơi ngập ngừng, rồi nói nghiêm nghị: “Thôi không kêu gã. Một kẻ mà có tên cũng bị gạch bỏ, vừa không nằm trên bức danh phả, vừa đã chấm dứt mối quan hệ với nhà mình, mắc mớ gì phải kêu?”

Mặc dù gã không nhắc đến tên của Tạ Vấn, nhưng với mấy lời miêu tả như vậy, Trương Chính Sơ ở bên cạnh vẫn hiểu gã đang nói về ai. Nhiều năm trôi qua, dường như ông vẫn nhớ như in chuyện Trương Uyển đoạn tuyệt quan hệ với gia đình, thế nên ông lập tức nói với giọng lạnh lùng: “Bây giờ, bất kể là chuyện Trương gia hay chuyện Phán Quan thì cũng không còn dính dáng gì tới nó nữa, kêu nó tới làm gì!”

Kèm theo đó là một tiếng đập rầm của gậy chống.

Trương Lam: “…”

Cô lặng lẽ bịt kín loa điện thoại, sợ bản thân Tạ Vấn nghe thấy lời nói khi nãy.

Bất kể là chuyện Trương gia hay chuyện Phán Quan thì cũng không còn dính dáng gì tới nó nữa…

Vcl.

Nếu bàn về Phán Quan, người ta là Tổ sư gia đó.

Còn nếu bàn về Trương gia, Trương gia lại chiếm công cầm đầu vụ người ta bị phong ấn này.

Việc nào không còn dính dáng gì tới hắn nữa chứ…

Trương Lam càng nghĩ càng cảm thấy ông nội ruột của mình hơi khó ở. Mặc dù sau khi lớn lên, cô và Trương Nhã Lâm đều sợ Trương Chính Sơ và không còn thân thiết với ông cụ lắm nữa, nhưng cô cũng không thể trơ mắt nhìn ông cụ chọc trúng một mối phiền khổng lồ như thế này.

Cô lại nghĩ đến hồi trước khi tới Thiên Tân, Chu Húc từng nhìn bổn gia nhà họ Trương và lẩm bẩm một câu “Nhà cửa sao trông cứ như sắp sụp đổ thế này?”

Lúc ấy, cô và Trương Nhã Lâm chỉ cảm thấy thằng nhóc mỏ quạ đen xúi quẩy này chỉ nói bậy, không phải chuyện gì to tát. Nhưng giờ khi đã biết Chu Húc là ai, cô chỉ cảm thấy hết hồn và hốt hoảng mà thôi.

Cô liếm bờ môi khô khốc của mình, đưa tay ra khỏi chỗ bị che ở cuối điện thoại và nói mơ hồ: “Được rồi, tôi đã biết, để coi lại cái đã.”

A Tề cảm thấy khó hiểu: “Coi lại cái gì mà coi lại? Không phải tôi vừa nói đấy à, cần phải quay về ——”

Trương Lam nhấn tắt luôn cuộc gọi.

***

Lúc này, đèn đuốc trước sau sân nhà cũ của Trương gia vẫn đang sáng trưng.

A Tề cầm điện thoại, lẳng lặng ngơ ngác một lát rồi xoay đầu nói với Trương Chính Sơ: “A Lam nói cô ấy đã biết.”

“Ừ…” Trương Chính Sơ nắm siết gậy chống, ngón tay khi khép khi dang, tựa như đang gõ nhịp chầm chậm trên đầu gậy. Đây là động tác ông thường làm trong lúc trầm tư, A Tề vừa nhìn đã biết, vì vậy rũ mắt đứng bên cạnh, không lên tiếng làm phiền nữa.

Người của mỗi thế hệ luôn mang lại ảnh hưởng cho nhau. Hậu bối thường học theo vài động tác quen thói của tiền bối, nhất là khi để xây dựng hình tượng uy nghiêm.

Động tác gõ nhịp lúc suy nghĩ này giống như một tiêu chí của các chủ gia tộc. Trương Chính Sơ đâu hề làm thế hồi trẻ, sau này khi trở thành chủ gia tộc thì mới dần học được từ các bậc cha chú.

Chỉ cần trông thấy động tác này, tất cả tiểu bối, bao gồm A Tề đã theo gót biết bao đời người, sẽ chỉnh người mình ngay ngắn và im ru trong vô thức.

Mọi người từng thầm truyền tai nhau một điều, rằng A Tề đã tồn lưu rất lâu, thậm chí còn có thể xem là trưởng bối đối với các chủ gia tộc sau này của Trương gia nữa.

Để trên cơ con rối này và khiến gã có cảm giác ‘chưa từng đổi chủ nhân mới’, chủ gia tộc mỗi đời đều cố tình học theo vài động tác nhỏ của lão tổ tiên Trương gia và truyền dạy xuống các đời sau.

Thế rồi lời này lại truyền tới tai A Tề.

Vừa nghe xong, gã “à” một tiếng. Sau đó, khi cách nói chuyện và làm việc của gã vẫn không hề đổi thay, lời đồn mới chấm dứt.

Lúc Trương Chính Sơ trầm tư, vài thanh niên trong một phòng khác lại đang cúi đầu đứng thành một hàng và không dám thở mạnh.

Không phải ai khác ngoài bọn Đại Đông.

Thân là người trông thấy sự thay đổi trên bức danh phả trước hết, đây là lần đầu tiên họ được mời đến sân trong tại nơi ở của Trương Chính Sơ, và cũng là lần đầu tiên họ nhìn thấy vị chủ gia tộc này.

Ấn tượng ban đầu là… ông ấy thực sự đã quá già.

Trương Lam và Trương Nhã Lâm đều đã ở đầu lứa tuổi ba mươi. Làm ông nội của họ, tuổi của Trương Chính Sơ cũng gần chín mươi. Nếu ở nhà của người bình thường thì người ta gọi đây là sống thọ, già một tí cũng hết sức bình thường thôi.

Nhưng mà ông ấy là Phán Quan.

Phán Quan diệt sát sạch sẽ, diệt không xong thì sẽ gánh đầy trên lưng, diệt được thì sẽ đổi lại tu vi và phúc phận. Thế nên hầu như tất cả mọi người trong số những ai hơn trăm tuổi này cũng sẽ có một tinh thần khỏe mạnh.

Già nua như Trương Chính Sơ đây, thực sự hiếm thấy lắm.

Đối với bọn Đại Đông, dáng vẻ này của Trương Chính Sơ lại chứng thực một vài lời đồn.

Nghe đâu Trương gia năm đó lập công lớn trong việc phong ấn Trần Bất Đáo, tuy không tuyệt hậu như mấy vị thân đồ kia, nhưng cũng chịu không ít tội, có thể nói là bên bị thảm nhất trong số những người còn sống.

Mặc dù ngọn nguồn của việc phong ấn thì tốt, nhưng Trương gia cũng không thể thoát khỏi cái danh ‘khi sư diệt tổ’.

Ai cũng nói lão tổ tiên của Trương gia có nghĩa lớn, chịu hết mọi gánh nặng, bởi thế mà mỗi chủ gia tộc đời sau của Trương gia có vẻ đều bị Tổ sư gia nguyền rủa, không thể sống thọ và cũng nhanh già hơn.

Để cân bằng điều này, Trương gia thu nhận nhiều đồ đệ và gia tăng lượng con cháu, khâm định chỉ cần hậu bối tròn ba mươi lăm tuổi thì sẽ có thể tiếp nhận chức vị chủ gia tộc, thế hệ trước chưa bao giờ lưu luyến quyền thế, không hề trì hoãn một ngày nào, nhờ đời đời làm vậy nên mới có được quy mô thịnh vượng như hôm nay.

Mà các gia tộc khác cũng luôn cảm ơn công lao to lớn của lão tổ tiên Trương gia mà sẵn lòng theo phe họ, nhưng cũng vì nhường qua nhường lại nên thực sự có chút thua kém.

Đây là cách giảng giải phổ biến về chuyện vì sao Trương gia lại thống trị các gia tộc khác sau vụ phong ấn kia.

Bọn Đại Đông đã nghe về chuyện này từ lúc còn bé.

Cuối cùng sự thật thế nào thì khó nói, nhưng bữa nay nhìn thấy Trương Chính Sơ, ít nhất họ có thể xác định vế ‘nhanh già hơn’ này là thật. Họ còn nghi ngờ chẳng biết ông cụ có kiên trì nổi đến khi Trương Nhã Lâm tròn ba mươi lăm hay không. Nói không chừng, ông ấy sẽ nhường chức sớm.

Da thịt trên mặt Trương Chính Sơ lỏng lẻo, vì khóe miệng đang cong xuống nên càng lộ vẻ uy nghiêm trong lúc lặng im.

Ngón tay ông gõ nhịp được một lúc rồi bảo: “Vậy ra, các cậu đều nghe thấy tự A Lam nói ra câu “vì ổng sống lại rồi” đó ư?”

Bọn Đại Đông gật đầu lưỡng lự, sau đó lại bổ sung: “Tụi con vừa trông thấy sự thay đổi trên bức danh phả thì gọi ngay cho chị Lam. Chị ấy đã bảo thế sau khi nghe tụi con nói xong.”

Trương Chính Sơ chỉ lắng nghe chứ cũng chẳng hề gật đầu.

Ông ít khi biểu lộ suy nghĩ của mình trên mặt, còn không thèm thực hiện mấy động tác gật đầu hoặc lắc đầu đơn giản nhất này trước mặt đám tiểu bối xa lạ kia nữa.

Ông hỏi tiếp: “Các cậu từng gọi cho nó bao nhiêu lần?”

“Dạ cũng được vài lần. Mấy lần trước thì không ai nghe, lần cuối thì có bắt máy ạ.” Đại Đông nói.

“Gọi liên tục à?” Trương Chính Sơ lại hỏi.

“Dạ vâng.”

Trương Chính Sơ vẫn nắm gậy gõ nhịp. Ít lâu sau, ông mới hất cằm về phía bọn Đại Đông.

Ông chưa kịp mở miệng, A Tề đã lập tức quay sang nói với bọn Đại Đông: “Ông ấy không còn gì để hỏi nữa. Có một dì đang pha trà ở sân trước, mấy cậu có thể sang đó nghỉ ngơi trong chốc lát. Tối nay cứ ở lại bổn gia đi, các gia tộc khác cũng đang trên đường tới đây rồi.”

Vừa nghe gã nói thế, bọn Đại Đông vội vàng chạy biến.

Cửa khép lại, Trương Chính Sơ nói với A Tề: “Gọi liên tục mấy cuộc cũng không ai nhận, lúc đó chắc A Lam đang ở trong một cái lồng. Lần cuối nó bắt máy vì nó đã thoát khỏi lồng.”

A Tề gật đầu.

“Thế thì lúc nó thoát khỏi cái lồng kia, lão tổ Bốc Ninh cũng sống lại.” Trương Chính Sơ nói.

Dù sao A Tề vẫn là một con rối, còn là một con rối cực kỳ rập khuôn, suy nghĩ không được lẹ lắm. Gã khá sửng sốt rồi mới gật đầu nói: “Đúng là như thế.”

Trương Chính Sơ nắm chặt gậy chống, đầu còn lại xoay vòng đều đều dưới đất.

Nghiền được vài cái, ông mới trầm giọng mở miệng: “Trên đời này có chuyện trùng hợp đến thế à?”

A Tề: “Chắc là có ạ.”

Trương Chính Sơ lại nói: “Tôi không tin.”

A Tề hơi do dự: “Vậy ý của ngài là…”

Trương Chính Sơ: “Chuyện Bốc Ninh sống lại này hẳn phải dính líu đến cái lồng mà nó đã vào. Nó đã biết trước khi nhận được cuộc gọi, có khi còn trực tiếp nhìn thấy nữa.”

Ông ngẫm nghĩ, chống gậy đi từ từ tới vách tường, trên đó cũng có treo một bức danh phả.

Hầu như gia tộc nào cũng có một bản sao bức danh phả của các Phán Quan, xuất hiện ở đây thì cũng không có gì đáng ngạc nhiên. Nhưng bức của ông hơi khác so với người khác.

Nó cũ hơn, rìa mép rách rưới hơn, tựa như nó là phiên bản sớm nhất, lưu truyền từ đời này sang đời khác suốt hơn một nghìn năm qua.

Trương Chính Sơ nhìn tên Bốc Ninh trên bức tranh: “Nha đầu A Lam kia biết, thậm chí còn trông thấy Bốc Ninh sống lại, nhưng bắt máy rồi lại chẳng nói gì, còn úp úp mở mở nữa, vì sao vậy nhỉ?”

A Tề nghiêm túc suy nghĩ một lát rồi nói thật lòng: “Không biết, tôi khá đần.”

“Cậu không đần, không đần gì cả.” Trương Chính Sơ phất tay mà chẳng hề ngoảnh đầu, “Tôi cảm thấy có lẽ nó đã gặp phải vài tình huống khó giải quyết và không biết phải xử lý như thế nào. Tôi đoán là điều đó có liên quan đến việc Bốc Ninh sống lại. Nha đầu đó luôn rất kiêu ngạo, thực sự gặp phải phiền phức thì cũng không nói ai nghe hết. Chúng ta sẽ không moi ra được bất cứ điều gì từ trong miệng của nó đâu.”

A Tề chỉ có thể trả lời một câu: “Quả thế.”

Trương Chính Sơ hỏi: “Cậu nói xem còn ai vào cái lồng đó cùng với A Lam nữa?”

A Tề gập ngón đếm số: “Nhã Lâm tới tìm ngài để báo trước khi rời khỏi nhà, chắc cậu ta cũng có mặt. Họ đi tìm hai đồ đệ Thẩm gia nhằm thử thực lực của họ, vì vậy, rất có thể hai đồ đệ Thẩm gia cũng có mặt… à, với cả Tiểu Húc vừa được nhắc đến nữa.”

“Nhã Lâm và chị nó giống nhau từ trong xương cốt, cả hai đều kiêu ngạo. A Lam còn dứt khoát hơn thằng em, chẳng hỏi được gì từ nó. Mà hai đứa nó thì có khác gì nhau đâu.” Trương Chính Sơ khẽ nói: “Về phần hai tên đồ đệ Thẩm gia kia…”

Ông trầm ngâm, không nói tiếp nữa.

Một lúc lâu sau, ông mới mở miệng bảo: “Tối nay cậu lại gọi cho Chu Húc đi. Nếu tụi nó không rời đi tối nay thì buộc phải tìm nơi để nghỉ chân. Lúc Chu Húc không ở cùng phòng với A Lam và Nhã Lâm, cậu hãy gọi cho nó một cuộc. Nó suy nghĩ đơn giản, ăn nói không biết lấp liếm, cứ hỏi nó đôi điều để hiểu rõ tình huống trước đã.”

A Tề gật đầu: “Vâng.”

***

Trương Lam cũng không biết Trương Chính Sơ đang nghĩ gì. Sau khi lớn lên, cô chưa từng hiểu nổi suy nghĩ của ông nội.

Dù sao, bản thân cô đã quyết, định bụng hôm nay sẽ ngủ lại ở đây một đêm hòng tránh được lúc nào hay lúc đó. Ngày mai bất kể có ra sao, cô cũng phải tìm cách trốn chạy cùng với Trương Nhã Lâm.

Hiện giờ, cô không có quyền kiểm soát việc các gia tộc rốt cuộc muốn bàn bạc về điều gì và bàn bạc như thế nào, nhưng túm quần lại là cô sẽ không mang bất cứ vị tổ tông nào về nhà, bao gồm cả Chu Húc.

Trừ khi cô điên rồi.

Vì vậy, lúc Tạ Vấn và Văn Thời nhìn sang, cô cất đi điện thoại và nói bâng quơ vài câu: “Bổn gia vẫn luôn có một quy tắc, con và Nhã Lâm không thể rời đi cùng lúc quá lâu. Chưa gì mà bên đó đã thúc giục, yêu cầu mai tụi con phải về lại Ninh Châu.”

Nhắc đến câu ‘mai phải về’, cô không nhịn được phải nhìn phản ứng của Tạ Vấn mấy lần.

Tạ Vấn và Trương Chính Sơ hoàn toàn không giống nhau. Hắn sẽ không hề ra vẻ uy nghiêm. Hắn sẽ gật đầu một cái sau khi nghe thấy một điều gì đó, ngỏ ý bản thân đã biết.

Và chỉ thế thôi.

Vì hắn thường đổi đề tài vào một giây sau, như thể không chuyện gì có thể khiến hắn để ý, chỉ nghe tai này lọt qua tai kia.

Quả nhiên, Tạ Vấn gật đầu một cái rồi giơ tay vỗ lên vai Văn Thời. Hai người cùng đi theo Lục Hiếu đến đầu khác của thôn, hắn thì bảo: “Đi về trước đã.”

***

Trong nhà hiếm khi tưng bừng như thế, hai vợ chồng già Lục gia bận bịu đủ thứ và bày ra nguyên bàn thức ăn lớn.

Tiếc là Lão Mao đã bất tỉnh nhân sự, không biết do mới bị kích thích, khiến khát vọng muốn sống không mãnh liệt cho lắm hay sao, mà sau khi được đỡ lên sô pha, lão chưa từng bước xuống lần nào nữa, đương nhiên cũng không lết nổi lên bàn ăn.

Hai chị em Trương gia bị một đám lão tổ tiên ngồi xung quanh như thế, trong lòng lại có tâm sự, thế nên không có chút khẩu vị nào.

Họ không muốn ăn, nhưng lại không dám không ăn, đành ráng nuốt, suốt buổi ăn mà chẳng thấy mùi vị, chỉ muốn nhanh chóng vượt qua đêm nay.

Chu Húc lại ăn uống ngon lành.

Nó rất dễ bị bệnh sau khi thoát khỏi lồng. Mặc dù lúc này đã có dấu hiệu sắp bị cảm, nói giọng nghẹt mũi, nhưng bộ dáng hào hứng không ai ngăn nổi vẫn hừng hực, đè luôn hơi thở ốm yếu.

Nhưng nó cũng không ăn được…

Vì nó lắm chuyện.

Đáng lẽ, nó muốn ăn gì cứ gắp thứ đó là xong, khổ nỗi nó lại đột ngột đổi tính, định suy nghĩ cho cảm nhận của người bạn khác đang ở trong người mình.

Vì thế, tròng mắt nó đã sắp rơi lên dĩa thịt ba chỉ tới nơi mà vẫn phải hỏi một câu: “Ông có kén ăn gì không? Ông kiêng món nào?”

Hạ Tiều ngồi kế bên nó hoang mang Hồ Quỳnh Hương, lắc đầu đáp: “Đâu có kén, em quan tâm anh kiêng món nào chi thế?”

Mắt của Chu Húc trợn trắng: “Ủa tui đâu có nói chuyện với anh.”

Hạ Tiều: “?”

Chu Húc: “Tui đang tự hỏi tui mà.”

Hạ Tiều: “???”

Hai vợ chồng Lục Hiếu đã lớn tuổi nên đều bị dọa sợ.

Bởi vậy, dẫu Chu Húc có chọc như thế nào, Bốc Ninh vẫn luôn giả chết. Chỉ lúc hai vợ chồng già đang nói chuyện với người khác, hắn mới vội đáp một câu: “Khỏi chăm sóc cho ta, con muốn ăn gì cứ ăn đi.”

Dứt lời, nó lại thay đổi giọng điệu và thần thái rồi nói: “Đâu làm vậy được. Nếu tui ăn thứ ông không thích rồi tự làm xấu mặt ngay tại trận thì biết làm sao đây? Ông coi dì nhỏ của tui đi, bả không ăn được một miếng cá tanh nào, bả có thể ói ra ngay tại chỗ chỉ với một ngoạm thôi á.”

Trương Lam xanh mặt: “… Đừng nói nữa, con tập trung chuyên môn đi, dì nhỏ lạy con đó.”

Chu Húc cười khà khà, sau đó lại ngồi nghiêm chỉnh, trả lời một câu lễ phép: “Đắc tội rồi, xin hãy thứ lỗi.”

Nó biến đổi rất tự nhiên, Hạ Tiều thấy mà đờ ra.

Người ngồi bên cạnh cậu là một kẻ mắc chứng đa nhân cách. Cậu xem kịch mà quên luôn cả ăn uống, suốt nửa ngày cũng chưa nuốt được hai miếng.

Văn Thời nhìn đám người có hình thù kỳ quái tại cái bàn này, trong bụng chứa một đống chữ, song lại không biết nên nói gì.

Anh vốn tưởng mình vẫn cần một thời gian nữa mới có thể thích ứng với thức ăn bình thường, nhưng có lẽ do Lục gia dùng bếp cũ, phòng khách tràn ngập hương củi lửa lúc nấu cơm, khói bay lượn lờ khỏi ống khói.

Khoảnh khắc ấy, anh bỗng nhớ tới cảnh tượng của rất nhiều năm về trước, nhớ từng có những ngày tháng mà anh và Trần Bất Đáo sóng vai băng qua ngõ phố khói giăng đầy trời, Đại Triệu và Tiểu Triệu thì đang chờ họ trở về tại nơi nghỉ chân.

Mấy cô học được cách nấu cơm bằng nồi đồng ở đâu đó phía Nam nên thường nấu vậy suốt thời điểm ấy.

Sau đó có một lần, không nhớ vì lý do gì, anh đang ăn một nửa thì phải ra ngoài một chuyến, lúc trở về thì cầm lộn đũa.

Anh gắp thức ăn, nuốt một ngụm rồi mới phát hiện Đại Tiểu Triệu đều đang trợn mắt nhìn mình. Lúc này, anh mới nhận ra mình đang cầm đũa của Trần Bất Đáo.

Mà Trần Bất Đáo lại đang xòe bàn tay ra, đợi anh trả lại đôi đũa.

Khó lòng diễn tả cảm giác lúc ấy là gì…

Anh từng cảm thấy nếu có một ngày Trần Bất Đáo nhìn thấu tâm tư của mình, thì có lẽ chính là ngày hôm đó.

Dù sao anh vẫn không thể ăn xong bữa cơm kia.

Cũng may đó là ngày cuối cùng họ sánh bước bên nhau. Bản thân vừa bại lộ một vài manh mối, anh và đối phương đã đường ai nấy đi. Một khoảng thời gian dài dăng dẳng sau đó, anh vẫn luôn đâm đầu vào trận tẩy linh.

Giờ nghĩ lại mà ngỡ như mình đang mơ.

Mà nói gì thì nói, đó là những tháng ngày an nhàn sau khi anh tới tuổi, thế nên khi anh ngửi thấy mùi củi lửa tương tự, khẩu vị của anh cũng khá hơn…

Thế mà anh lại cảm thấy bàn thức ăn của Lục gia này khá gây thèm.

Nhưng lâu lắm rồi anh chưa ăn đồ bình thường như vậy, bởi thế không biết mình nên làm sao.

Trong lúc anh đang khá rối rắm, cái chén trước mặt tự dưng có thêm vài thứ.

Văn Thời ngước mắt và chỉ trông thấy bàn tay của Tạ Vấn.

Tay trái mà quá trình khô hóa vẫn chưa biến mất còn bị giấu dưới bàn, không để hai vợ chồng già nhà họ Lục nhìn thấy, hắn chỉ để lộ tay phải hoàn hảo.

Ngón tay của hắn rất dài, động tác cầm đũa trông rất mãn nhãn. Hắn vừa cười nói với hai vợ chồng Lục gia, vừa gắp thức ăn vào trong chén của Văn Thời.

Giữa lúc nói cười, hắn nghiêng đầu thỏ thẻ bên tai Văn Thời: “Nhìn em đã lâu, cứ ngẩn người ra đó không đụng vào thức ăn, em nghiêm túc ăn cơm đi.”

Văn Thời vô thức muốn cạp lại, song nghe hắn chầm chậm nói thêm một câu: “Em yên tâm, ta vẫn chưa sử dụng đũa gắp thức ăn đâu.”

Văn Thời: “…”

Anh đột nhiên đảo mắt nhìn sang, chỉ thấy Tạ Vấn đã trò chuyện tiếp với vợ chồng Lục gia. Người lớn tuổi thường có nhiều chuyện để nói, vài chuyện nhỏ nhặt nói đi nói lại, Tạ Vấn thì lắng nghe rất kiên nhẫn, chưa từng hối thúc, trong mắt còn lấp lánh ý cười, chẳng hề than chán.

Nhưng nhìn dáng đuôi mắt của Tạ Vấn, Văn Thời luôn cảm thấy hắn đang trêu mình.

Vì thế anh không đụng vào một miếng thức ăn nào, trước hết cầm ly nước lên uống một hớp để xoa dịu con tim.

Ai dè vừa uống hai hớp, anh đã thấy Tạ Vấn lại dòm mình và bảo: “Nhưng mà ta thực sự đã uống bằng cái ly này rồi đó.”

Văn Thời: “…”

Anh đặt cái ly xuống rồi giằng co với Tạ Vấn.

Đáy ly và mặt bàn chạm vào nhau vang lên một tiếng không lớn, nhưng lại cực kỳ nổi bật khi trộn lẫn giữa tiếng người nói chuyện. Vì thế các nhân vật xanh mặt, đa nhân cách, ngu ngơ xem kịch… đều khá sững sờ, ngoảnh mặt sang và nhìn họ với cùng một biểu cảm mờ mịt.

Lời trào đến mép lại bị Văn Thời nuốt ngược vô bụng.

Anh liếm khô giọt nước vương giữa môi, liếc nhìn đám người ‘rảnh nợ’ này, dựa về lưng ghế, xê cái ly tới trước mặt mình và trầm giọng nói bằng âm lượng mà chỉ một mình Tạ Vấn có thể nghe thấy: “Giờ nó đã thuộc về tôi, ông đổi ly khác đi.”

Bọn Hạ Tiều chẳng hiểu có chuyện gì đang xảy ra, cũng không để tâm thêm nữa, mà lại xoay đầu bà tám, bầu không khí ríu rít trên bàn lại khôi phục.

Vợ chồng Lục gia cũng nói tiếp.

Tạ Vấn hơi cong mắt giữa tiếng ầm ĩ, cũng không nhìn Văn Thời, chỉ thủ thỉ với một ngữ điệu lười nhác: “Chẳng nói lý lẽ gì hết, không biết ai đã nuông chiều em nữa.”

Văn Thời: “…”

Anh suýt chút nữa đã quen miệng đớp “ông đó”, song anh thắng lại kịp thời, đanh mặt hỏi: “Ông muốn gài tôi hay gì?”

Tạ Vấn ậm ờ “ừm” một tiếng, nghiêng đầu cười khẽ.

Tiếng cười này đánh thức Lão Mao đang nằm trên sô pha như một xác chết.

Tình trạng khô hóa của Lão Mao không khác gì Tạ Vấn, nửa bên trái vẫn chưa tan biến, toàn phải che giấu bằng quần áo, nếu không có thể sẽ dọa hai vợ chồng già Lục gia bệnh luôn.

Lão ngồi dậy khỏi sô pha, tóm lấy một chiếc gối rồi dựa lên như bị trúng gió liệt nửa người, ngó Tạ Vấn và Văn Thời với vẻ mặt hờn dỗi, ngó một hồi rồi lại lặng lẽ nhắm mắt như một con chim chết.

Hai vợ chồng Lục gia cực kỳ nhiệt tình, tưởng lão cũng già cỡ mình, cứ gọi “chú em” này “chú em” nọ, muốn kéo lão lên bàn ăn, cuối cùng lại bị Lão Mao từ chối khéo với khuôn mặt méo mó.

Lão nói: “Cảm ơn, cảm ơn, nhưng bây giờ tôi thực sự ăn không vô đâu, đầu cổ choáng váng muốn chết luôn rồi. Tôi lên lầu mượn một phòng nghỉ ngơi chút được không?”

“Đương nhiên là được rồi, trên lầu có nhiều phòng lắm, mấy cậu cứ chọn đại nhé.” Lục Hiếu nói.

Nhờ Lão Mao mở đầu, chị em Trương gia lập tức nối gót rời khỏi bàn ăn, cũng bảo mình đau đầu quá nên muốn lên lầu ngủ trước.



Cấu tạo nhà của Lục gia gần giống hệt như nhà trong lồng của Lục Văn Quyên, không biết do Lục Văn Quyên quá nhớ nhà, hay vì nhà giấy mà hai vợ chồng già đã đốt cho cô được tạo dựng dựa theo căn nhà này nữa.

Trên lầu vẫn có rất nhiều phòng. Theo lý thuyết, đám người này đã từng ở đây một lần, cứ chia theo cách lần trước là bớt phiền nhất.

Nhưng mà Trương Nhã Lâm đâu chịu làm vậy.

Bởi vì lần trước, hắn và Chu Húc đã ngủ chung giường trong một căn phòng. Nếu lần này lại chia như thế, thì có nghĩa là hắn sắp ngủ trên cùng một chiếc giường với Chu Húc và Bốc Ninh rồi.

Lỡ đâu ngủ tới nửa đêm, người mở miệng nói chuyện lại là lão tổ Bốc Ninh thì sao???

Thì sẽ hù chết hắn luôn, hắn còn sống mới lạ ấy.

Chu Húc tự dưng bị ruồng bỏ, thế là nó hỏi hắn: “Vậy cậu muốn ngủ với ai? Trong nhà có nhiều đàn ông đến vậy, cậu chọn một người đi?”

Trương Nhã Lâm tự nhủ bà mẹ nó bố không chọn ai hết, ông nào bố cũng không hầu hạ nổi.

Vì thế, hắn cân nhắc hơn thiệt, do dự mãi rồi cuối cùng bảo: “Cậu sẽ ngủ trên ban công phòng chị cậu.”

Mọi người đến quỳ.

Đương nhiên, cuối cùng hắn cũng không thực sự ngủ trên ban công. Trong phòng Trương Lam có sô pha, hắn định ghép chúng lại và ngủ một đêm. Huống chi… chưa thể nói trước họ có ngủ trọn đêm nay hay không.

Hai người họ về phòng.

Hạ Tiều vô thức muốn đi theo Văn Thời, ai ngờ bị Chu Húc giữ chặt lại.

“Anh đi chi vậy?” Chu Húc nói.

Hạ Tiều: “Thì đi ngủ chứ sao.”

Chu Húc: “Anh ngủ với ai?”

Hạ Tiều bối rối: “Thì anh của anh chứ còn ai vào đây nữa.”

Chu Húc kéo cậu tới trước mặt, nói một câu như muỗi đang kêu vo ve: “Bộ anh bị ngu hả?”

Hạ Tiều: “Em ——”

Cậu muốn nói em mới lớn bao nhiêu đâu mà lại mắng người khác thế hả? Song lại nghĩ Bốc Ninh còn trong cơ thể của nó, vị kia thì lớn thiệt.

Hạ Tiều đành nhìn nó bằng một ánh mắt dòm người bị bệnh rồi bảo: “Em giải thích cho anh nghe chút xem, tại sao em lại mắng anh hả?”

Chu Húc trợn mắt lên trời, nghiêng người đổi tư thế nhằm chắn tầm mắt của Văn Thời, dựng thẳng hai ngón tay cái lên trước mặt Hạ Tiều, vừa chấm chấm hai đầu ngón lại với nhau vừa lẩm bẩm.

Hạ Tiều: “Hả?”

Chu Húc: “… Ok tui nói mà!”

Khí thế của nó trông rất hùng hồn, nhưng giọng lại ép xuống thấp trũng, vừa khoa tay múa chân vừa nói lơ mơ: “Anh của anh và ma… à không, và Tổ sư gia ư ư ư ư ư ư đó, bộ anh không biết hả?”

Hạ Tiều: “Ư ư ư ư ư ư là sao?”

Chu Húc lẳng lặng nhìn cậu mà sắp nổi máu điên tới nơi.

Họ cứ thì thầm khe khẽ, bầu không khí bên đó trông rất lạ lùng, Văn Thời nhìn sang.

Khi đó vừa khéo là lúc Hạ Tiều giơ hai ngón cái lên theo Chu Húc và cũng đang định cho hai đầu ngón chạm vào nhau.

Ai dè Chu Húc giật mình một cái, thay đổi thần thái rồi vùi tay của Hạ Tiều xuống: “Đừng ——”

Tiếc là nói hơi trễ, Văn Thời đã bước tới: “Chiêm chiếp cái gì đó?”

Anh nhìn hai ngón tay đang dính sát vào nhau của Hạ Tiều, vừa định mở miệng thì đã thấy Chu Húc chắp tay vái mình một cái: “Sư đệ, huynh xin lỗi.”

Văn Thời nhíu mày: “Xin lỗi cái gì?”

Bốc Ninh: “Huynh cũng chỉ mới biết Chu Húc tương thông với mình trong trận thôi.”

Văn Thời: “………..”

Anh còn chưa nghĩ ra Chu Húc và Hạ Tiều đang làm gì, nhưng Bốc Ninh vừa khom người như thế, anh đã hiểu rõ.

Hiểu xong, khóe môi của anh nhúc nhích, thốt ra một câu đầy rét lạnh: “Huynh phóng Chu Húc ra đây.”

Bốc Ninh: “Để huynh thử.”

Nhưng mà Chu Húc làm như mình đã chết, chọc ra sao cũng không chịu trở ra. Bốc Ninh chỉ đành vái Văn Thời thêm một cái nữa hòng quét dọn tổ ong vò vẽ giùm ai đó.

Thế mà lúc này, Hạ Tiều lại bất chợt “à ——” một tiếng như vừa tỉnh ngộ.

Bốc Ninh không để ý đến sự thanh lịch của bản thân nữa. Hắn giơ tay che miệng Hạ Tiều lại, nói một câu “đắc tội rồi”, rồi lôi cậu lao vào căn phòng gần nhất và đóng cửa lại ngay.

Sau khi đóng cửa, hắn mới phát hiện đây là phòng của Lão Mao. Nhưng họ tình nguyện ba người chen chúc trong một phòng, chứ cũng không muốn bước ra ngoài ngay lúc này.

Văn Thời đứng đối diện với Tạ Vấn trên hành lang, sau ít lâu vẫn không nói nên lời.

Thêm một lúc nữa, anh mới không nhịn nổi mà chửi thầm một câu, nói gì mơ hồ không lớn lắm, có lẽ là “một đám ngốc nghếch” hay gì đó.

Tạ Vấn cười ra tiếng.

“Cười cái quần què.” Văn Thời xoay người đi về phía căn phòng trống còn sót lại.

Vì đám ngốc kia chỉ mới chiếm hai phòng, đến phiên hai người họ thì còn những hai căn, thực ra mỗi người một phòng thì cũng không phải không được.

Anh bước vào trong, thuận tay đóng luôn cửa lại.

Ai ngờ đâu khoá cửa đều đã vang lên, còn anh thì lại dừng tay.

Anh đứng trong phòng vài giây rồi lại hé cửa ra một chút.

Trên mặt người này in rõ vẻ bực dọc, lạnh lùng và kiêu ngạo. Lúc đẩy cửa ra, ánh mắt của anh lại đáp thẳng trên người Tạ Vấn.

Tạ Vấn đứng ngay bên cạnh cửa, nhìn khe cửa rộng bằng nửa người này của anh, ngó sang một căn phòng trống khác rồi bảo: “Em quyết định đi.”

Văn Thời đứng nhìn hắn một lát rồi đẩy hẳn cửa ra.

HẾT CHƯƠNG 88 („• ֊ •„)

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.