Phùng Chiêu

Chương 4: Chương 4: Chung tiên sinh




Nước thuốc trong thùng gỗ đã được hạ nhân chuẩn bị xong xuôi. Giang Kỉ Hiên bế Thừa Phong đặt vào bên trong, liệu pháp ngâm bồn này trước tiên dựa vào hơi nóng áp chế hàn khí, máu huyết lưu thông tốt thuận tiện cho việc đẩy hàn độc ra ngoài.

Giang Kỉ Hiên vận khí bắt đầu truyền nội lực ổn định thân thể y trước rồi mới dùng lực đẩy hết hàn khí ra khỏi cơ thể. Chu Tước đứng bên cạnh ôm hòm thuốc chăm chú quan sát.

Nếu người bị thương có võ công hoặc chút nội lực thì tốt, nhưng Thừa Phong là một người hiện đại chính hiệu, cảm thấy không khỏe thì đi bệnh viện gặp bác sĩ, có bệnh thì uống thuốc viên con nhộng, cảm ho bình thường thì đơn giản uống một viên C sủi là xong. Sau khi xuyên qua cũng nắm bảy, tám phần thân thể này đến vận động còn lười nói chi là luyện võ, thế nên so với một người bình thường còn yếu hơn thì đào đâu ra nội lực.

Thế nên hại Giang Kỉ Hiên tốn hơn một canh giờ truyền nội lực vào người y. Nhìn đỉnh đầu Thừa Phong tỏa ra làn nhiệt mỏng, hắn cảm thấy đã đến lúc liền thu tay về, sau đó dùng ba phần công lực tung một chưởng lên lưng y. Thừa Phong bị chưởng lực đẩy về phía trước, máu huyết toàn thân đều tụ lại bên khóe môi, một cỗ tanh nồng xộc lên mũi. Y há miệng phun ra một ngụm máu xanh đen, Chu Tước mở hòm thuốc lấy ra một viên đan dược màu nâu nhạt bỏ vào miệng y, dùng tay khép miệng y lại rồi nâng đầu y hơi ngửa, Giang Kỉ Hiên đẩy tay nhẹ lên ngực y, Thừa Phong lập tức nuốt đan dược xuống.

Giang Kỉ Hiên áp khí trở lại đan điền nhìn Chu Tước lau máu dính trên người Thừa Phong. Nhuyễn cốt tâm xem như đã giải được một nửa, nửa còn lại phải xem người này tịnh dưỡng thế nào. Người đã nhiễm nhuyễn cốt tâm đều sẽ bị ảnh hưởng đến xương cốt toàn thân, độc đã giải được nhưng không biết cách bồi bổ, tịnh dưỡng cũng chưa chắc sẽ hoạt động bình thường. “Đã không còn sớm, chúng ta nên đi bái phỏng Chung tiên sinh rồi” Chu Tước nhắc nhở.

Chung tiên sinh tuy nói là tướng quân nhưng ít người biết ông còn là sư phụ của Giang Kỉ Hiên. Lần đầu tiên gặp hắn ông đã rất vừa mắt đứa nhỏ này, về sau ông gặp riêng hắn ngỏ ý thu nhận, vài ngày sau hắn đích thân xuất thành đến phủ Chung tướng quân hành lễ bái sư, được ông nhận làm đệ tử năm hai mươi tuổi. Chuyện triều đình trải qua một đêm kinh biến chắc đã đến tai ông, hắn bị đuổi ra Tây thành không biết là ngẫu nhiên hay trùng hợp mà lại gần kề chỗ ở Chung tiên sinh. Bây giờ không còn mối bận tâm đấu đá chốn hậu cung, hắn lại được kề cận ân sư, thời gian vẫn còn nhiều, cứ thong dong tự tại cũng không tệ.

Giang Kỉ Hiên cùng Chu Tước bước ra khỏi phòng, Tử Hàm sốt ruột đi đi lại lại trước cửa nghe tiếng bước chân cũng dừng lại nhìn hai người. Chu Tước nhìn cậu gật nhẹ.Tử Hàm thấy Giang Kỉ Hiên không nói lời nào còn thấy Chu Tước gật đầu không lên tiếng liền trở nên sốt ruột: “Ý gì chứ? Thiếu gia của ta đã cứu được hay chưa? Y đã tỉnh lại chưa? Thiếu gia của ta kh....”

“Tự ngươi đi xem” Chu Tước lạnh lùng cắt ngang, Giang Kỉ Hiên cũng lười nói chuyện, cùng Chu Tước đi qua người Tử Hàm bước nhanh ra cửa. Hai người còn phải nhanh đến bái phỏng Chung tiên sinh.

Giang Kỉ Hiên vội vã rời khỏi Thượng Kinh, không kịp chuẩn bị lễ vật tặng ân sư vì thế tay không đến Chung phủ. Đường từ phủ Dụ vương đến Chung phủ chỉ cách nhau một con phố Ngạn Lâm - khu phố đông đúc nhất Tây thành. Đại Minh quốc chia làm bốn thành lớn vây quanh thành Thượng Kinh, mỗi thành chiếm một vị thế riêng, một thế mạnh riêng không bị pha lẫn.

Thành Đông là cái nôi của nhân tài cả nước, người làm quan trong triều phần lớn đều từ nơi này tới, ở đây năm nào cũng có người đỗ tam nguyên, ba vị trí đầu bảng của thi Đình là trạng nguyên, bảng nhãn và thám hoa luôn do người thành Đông chiếm vị trí độc tôn, các thành khác muốn chen chân vào cũng khó. Ngoại công của Giang Kỉ Hiên cũng là người Đông thành, năm đó ông không chỉ là tam nguyên mà còn đỗ cả trạng nguyên, là người thành Đông duy nhất làm quan Văn tòng nhất phẩm trong triều. Thứ sử Đông thành nghe tin liền sai người khắc tên ông trên bia rùa vàng trước cổng thành, ghi lại mốc son chói lọi ấy.

Ở đối diện Đông thành là Tây thành nổi tiếng phồn hoa, phát triển nhất cả nước. Mỹ nhân thành Tây nổi tiếng sắc nước hương trời, phần lớn tài nhân và phi tần mỗi năm vào triều đình đều xuất thân từ đây. Chính nhị phẩm không dưới hai người, từ tam phẩm dần xuống đều là người thành Tây chiếm ưu thế. Ngoài mỹ nhân nơi đây còn là trung tâm kinh tế, tuy nói Thượng Kinh là kinh đô cả nước nhưng do người Tây thành nắm được đường đi của hai con đường giao thương bậc nhất thế giới là “con đường tơ lụa” và “con đường gia vị”, quanh năm luôn có đủ món mới lạ thu hút người mua nên các thành khác kể cả Thượng Kinh nếu so về trao đổi mua bán vẫn kém một bậc so với Tây thành. Phía sau thành có đường nối liền với Huyền quốc, tạo quan hệ thông thương giữa hai nước, người Huyền quốc bình thường sẽ mua một lượng lớn lương thực và gia vị, vào mùa đông thường mua nhiều mặt hàng làm từ da thú vì thế nên lợi nhuận Tây thành thu về mỗi năm đều không tính được.

Xuyên qua dòng người tấp nập trên phố, khung cảnh nhộn nhịp hai bên đường khiến nơi đây tựa như một thủ phủ không ngủ, ngày lẫn đêm đều ồn ào, náo nhiệt. Khinh công Chu Tước rất giỏi, y không thích chen chúc đông người liền phi thân lên mái nhà, vừa có thể ẩn thân quan sát xung quanh vừa không phải xô đẩy trong dòng người phía dưới. Giang Kỉ Hiên có vẻ thích nơi này, đi trong không gian chật hẹp như vậy vẫn không hề nhíu mày, có lẽ hắn đang tận hưởng hương vị cuộc sống sau khi thoát khỏi chốn cung cấm kia. Đây mới chính là cuộc sống mà hắn mong muốn.

Chung Sính Đình đang ngồi dưới tán liễu xanh bên bờ hồ gảy đàn, tiếng đàn du dương vượt xa âm luật thường nghe, một khúc đã cũ nhưng qua tay ông trở nên vừa thân quen lại vừa xa lạ, đưa người ta như bay theo từng cung đàn đến nơi tiên cảnh. Chung Sính Đình có một nguyên tắc, chính là khi ông đang đối ẩm hoặc gảy đàn kẻ khác không được quấy nhiễu, tính khí người này rất lớn, làm việc phải xem tâm tình có tốt hay không, cho nên dù được triều đình trọng dụng vẫn quyết tâm cáo lão tận hưởng cuộc sống thế ngoại đào viên ở Tây thành. Giang Kỉ Hiên theo chân Chức Lộc vào đình ngồi chờ.

Chức Lộc là thư đồng theo cạnh Chung Sính Đình tám năm nên hiểu khá rõ về ông, nó biết ông thích và ghét những gì, khi Giang Kỉ Hiên đến cũng là lúc Chung Sính Đình mới gảy được nửa khúc, thấy dáng vẻ Giang Kỉ Hiên thong dong như vậy chắc sẽ không có việc gì to tát nên nó mời hắn vào đình uống trà chờ đợi. Từ lúc nhặt Chức Lộc về nuôi trong phủ, Chung Sính Đình xem nó như con ruột của mình, cưng chiều vô hạn, mà Chức Lộc cũng học được từ ông không ít kiến thức, theo chân ông càng lâu tính tình cùng khí chất càng giống nhau, thường bị Trác Kình Minh đùa là tiểu Sính Đình.

Chung Sính Đình không phải chưa thành gia lập thất, năm ba mươi tuổi ông kết hôn cùng Chung phu nhân, thời Dục Đức Đế tuy rằng quốc thái dâng an nhưng tộc Hách Miêu vẫn luôn quấy nhiễu biên cương, Dục Đức Đế ban chỉ lệnh Chung Sính Đình dẫn hai trăm vạn đại quân xuất thành dẹp loạn Hách Miêu. Binh sĩ kinh thành dù có ra sức luyện tập cũng không so được với kỵ binh đại mạc như tộc Hách Miêu, đại quân tuy thắng nhưng chiến thắng này phải đánh đổi quá nhiều. Xông pha trận tuyến, thương vong là điều không thể tránh khỏi, hai trăm vạn binh mã chỉ còn hơn trăm vạn, chinh chiến nhiều năm đây là lần đầu Chung Sính Đình đối mặt với kỵ binh dũng mãnh thiện chiến như vậy. Tộc Hách Miêu ban đầu do vài tộc người du mục họp lại mà thành, họ sinh hoạt chủ yếu dựa vào nhau, sau này càng có nhiều tộc người xin gia nhập, vài tộc người ban đầu tăng lên vài chục tộc người mà nam nhi trai tráng chiếm đa số. Đất đai đại mạc quá khắc nghiệt, họ kiêu ngạo về người trong tộc mình bắt đầu kéo đi đánh chiếm các bộ tộc lớn khác mở rộng phạm vi ảnh hưởng. Sau vài năm tung hoành đại mạc, tộc trưởng Ô Nhĩ Đa được tôn lên làm đại hãn, dẫn quân đến gây chiến biên ải phía Bắc Đại Minh. Khi Chung Sính Đình tiếp chỉ nhận mệnh cũng là lúc Chung phu nhân mang thai được hai tháng.

Vài tháng sau, tin báo về kinh thành quân ta đại thắng nhưng Chung tướng quân bị thương nặng, hôn mê chưa tỉnh truyền đến Chung phủ, Chung phu nhân vừa nghe tin đã ngất xỉu, thai nhi trong bụng chịu kích động dữ dội cũng muốn ra ngoài. Vẫn biết lấy chồng là tướng quân phải chuẩn bị tốt mọi mặt nhưng Chung phu nhân không được như vậy, lúc chia ly Chung Sính Đình đến nay nàng không chú ý dưỡng sinh, thân thể gầy đi không ít. Vừa nghe tin Chung Sính Đình hôn mê ngoài biên ải, mọi phòng tuyến trên người nàng sụp đổ, nàng ngất đi cũng động đến thai nhi trong bụng, đêm đó trời mưa không dứt, sấm chớp như xé toạc bầu trời, trong phòng sinh nha hoàn che mặt khóc lóc, Chung phu nhân sắc mặt trắng bệch nhắm nghiền mắt, phía dưới nàng chảy rất nhiều máu, bao nhiêu khăn ướt lau qua cũng không sạch, hài tử của nàng được bọc trong vải nhung đỏ, đứa trẻ cũng nhắm nghiền mắt như nàng. Một đêm mưa rửa trôi máu kẻ thù nơi biên ải, rửa trôi những giọt máu vẫn còn rơi từ trên người thê tử của ông. Chung Sính Đình vì chuyện này đau khổ suốt hơn chục năm trời. Chức Lộc lớn lên ngoan ngoãn đối với ông cũng là một loại an ủi.

Thời gian ba chén trà trôi qua Giang Kỉ Hiên cũng đợi được Chung Sính Đình cất xong đàn. Ông bước tới ngồi đối diện hắn, Giang Kỉ Hiên đứng dậy chỉnh lại y phục, hành lễ: “Đồ nhi bái phỏng chậm trễ, kính xin ân sư thứ lỗi”

Chung Sính Đình hớp một ngụm trà, phất tay: “Không cần câu nệ tiểu tiết”

Giang Kỉ Hiên nghe vậy cũng ngồi xuống cùng ông dùng trà, chén trà làm từ ngọc lưu ly trắng kết hợp với trà Ô Lông hái từ Phượng Hoàng cốc càng hợp với khí chất của ông. Ngọc lưu ly trong tay lành lạnh, hắn dùng tay miết nhẹ thành chén, lơ đãng nói: “Chuyện kinh thành chắc ân sư đã biết”

“Thế sự xoay vần, quan trường vốn là chiến trường, cũng không có gì mới lạ” Nói đoạn lại uống một ngụm trà “Triết Minh, vi sư biết con không phải hạng người xem trọng danh lợi nhưng ta nào phải thánh thượng? Một câu nói của vi sư không thể cho người trong thiên hạ biết con trong sạch. Chúng ta là thần tử, thiên tử nói chính là mệnh trời, chúng ta chỉ còn cách nhận mệnh”

“Đồ nhi hiểu rõ. Nhưng giới hạn cuối cùng đã bị phá vỡ, đồ nhi muốn không nhìn ra cũng không được” Giang Kỉ Hiên đặt chén trà xuống, hắn phóng tầm mắt nhìn mấy con thiên nga trắng bơi lội trong hồ.

“Ta biết con thông minh cơ trí, văn võ đều tinh thông. Nhưng Triết Minh à, thiên ngoại hữu thiên, nhân ngoại hữu nhân. Con không thể hành động lỗ mãng” Chung Sính Đình làm sao có thể không biết Giang Kỉ Hiên muốn làm gì cơ chứ? Ông suốt đời coi trọng cảm xúc cá nhân, còn đệ tử độc môn của ông xem trọng nhất là giới hạn do hắn tự đặt ra. Phá bỏ giới hạn của hắn chính là khiêu khích con bạo long bên trong hắn, mà giới hạn duy nhất cũng đơn giản nhất của hắn là Hoắc gia, đặc biệt là hoàng nương của hắn. Không cần đoán cũng biết cái chết của nàng ít nhiều có dính líu đến Trịnh đảng, mà Khiên Thành Đế còn chống lưng cho bọn chúng, triều đình từ trên xuống dưới rặt một lũ tham quan nương theo Trịnh đảng. Việc có thể tiêu trừ Trịnh đảng, lật đổ Khiên Thành Đế cũng chỉ có một.

“Việc này đồ nhi đã suy nghĩ kĩ càng, đoạn đường này nếu có phải dùng tính mạng trả giá, đồ nhi cũng cam tâm tình nguyện”

“Tốt” Chung Sính Đình đặt chén đã sạch trơn nước trà xuống, Chức Lộc cũng không rót thêm.

Cuộc nói chuyện này của hai người trò chuyện cứ như trong buổi trà chiều, dăm ba câu liền kết thúc, không căng thẳng, không nhìn ra không khí khác thường. Chung Sính Đình biết Giang Kỉ Hiên một khi đã quyết rất khó lay chuyển, ông cũng đã già, người thầy này chỉ có thể ủng hộ hắn.

Triết Minh, đoạn đường này là con lựa chọn, đừng sợ, cứ bay đi ưng nhỏ của ta, gió lớn phía sau có vi sư thay con chống đỡ.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.