Thập Niên 60: Làm Giàu, Dạy Con

Chương 111: Chương 111: Ăn sang




Mỗi ngày, anh hai với anh ba Chu đều đi đặt ống lươn, để đó qua một đêm, ngày hôm sau tan tầm sẽ đi thu hoạch. Hôm nay coi bộ cũng được kha khá, hai anh em phấn khởi xách lưng sọt lươn về nhà, giữa đường gặp Chu Thanh Bách.

“Chú tư, chú cắt lá chuối về làm gì vậy?”

Chu Thanh Bách: “Thanh Hoà nói làm bánh xốp.”

Má ơi, sang vãi, ăn hẳn bánh xốp! Anh hai Chu hâm mộ muốn chết: “Trờiiiii, chú tư sướng quá nha.”

Chu Thanh Bách không nhịn được, bất giác cong cong khoé miệng: “Có gì khó đâu, anh hai muốn ăn thì kêu chị dâu làm là được mà.”

Anh hai Chu: “Chị dâu chú keo kiệt lắm, đời nào cô ấy chịu làm mấy thứ như này.”

Anh ba Chu nghĩ sao nói vậy: “Nhưng mà biết tiết kiệm thì vẫn tốt hơn.”

Chu Thanh Bách thoải mái nói: “Có mấy cái bánh xốp thôi ấy mà.”

Nhà anh không nghèo đến độ không ăn nổi bánh xốp, hơn nữa chính tay bà xã làm chắc chắn hương vị sẽ rất ngon, anh cũng rất chờ mong.

Ba anh em nói đôi câu rồi tách ra làm hai hướng.Về tới Chu gia, anh hai và anh ba chia đều số lươn.

Anh ba Chu nói với vợ: “Mẹ Đại Oa ăn sang thật đấy, vừa nãy bọn anh gặp chú tư đi cắt lá chuối, nói là bên đó muốn làm bánh xốp.”

Chị ba Chu cảm thấy chuyện này bình thường: “Có gì đâu, bánh xốp thôi mà, nếu anh muốn em làm mấy cái cho cha con anh ăn.”

Anh ba Chu lắc đầu cười cười, thôi bỏ đi, bà xã đang mang thai, chỉ còn mấy tháng nữa là vỡ chum rồi, phụ nữ ở cữ phải tẩm bổ, đến lúc đó cũng tốn kha khá tiền mua đồ ăn, phải tích cóp từ giờ mới đủ.

Anh hai Chu thì chẳng kể lại cái gì với vợ vì anh biết có nói ra cũng vô dụng.Chạng vạng tối, Lâm Thanh Hoà làm xong một cái bánh xốp rất to.

Táo đỏ bỏ hạt, cắt đôi, rải trên mặt bánh.

Bánh có màu nâu bởi vì bên trong có bỏ đường đỏ.

Bánh rất xốp, mềm, bỏ vào miệng là tan ngay đồng thời vị ngọt bao trùm toàn bộ vị giác.

Lâm Thanh Hoà cắt một phần tư cái bánh, bảo Đại Oa bưng sang biếu ông bà nội.

Thơm quá lại còn đẹp mắt nữa.

Bà Chu xua xua tay đuổi hết đám cháu trai cháu gái ra ngoài: “Đi về đi, muốn ăn thì về bảo mẹ làm cho mà ăn. Đừng có đòi ông bà, ông bà không có nhiều đâu.”

Đây là bánh vợ thằng tư hiếu kính ông bà, không chỉ đơn giản là miếng bánh mà còn là tấm lòng của nó. Bảo chia ra ấy hả…, ai da, cái này rất tế nhị, thôi đi, tốt hơn hết là để lại ăn, không cho đứa nào hết.

Đố đứa nào dám đàm tiếu gì sau lưng. Bánh xốp thì đã sao, có gì quá đáng, con dâu ông bà làm cho ông bà ăn, ai dám nói gì?

Chu Hạ lại lao về phòng nháo nhào đòi ăn.

Chị hai Chu điên hết cả người: “Cái nhà kia rốt cuộc có để cho ai sống yên không hả? Suốt ngày bày vẽ làm này làm nọ, toàn kiếm việc cho người khác không à!”

Anh hai Chu khó chịu: “Con trai mình đòi ăn bánh xốp, cô lại vòng sang nói vợ chú tư là cái kiểu gì?”

Chị hai Chu bực tức: “Nếu không phải tại cô ta thì con trai tôi biết đòi ăn à? Đưa bánh xốp thì cứ đưa đi, mắc cái gì mà thằng nhãi ranh Đại Oa phải hét ầm ĩ hết cả lên, sợ người khác không biết chắc?”

Ô hay, Đại Oa mang đồ ăn lại đây là để hiếu kính ông bà nội, chuyện tốt thì cứ đường đường chính chính mà làm, không lẽ phải lén la lén lút? Với lại, ngoại trừ vợ chú tư ra thì những nhà khác có ai biếu cha mẹ cái gì đâu, có ai so sánh hay đánh giá gì đâu mà tự nhiên nổi điên lên. Haizz, những tư duy khác người này của bà vợ nhà mình, anh hai Chu đã quá quen rồi, tốt nhất là cứ im lặng cho qua chuyện thôi.

Chị hai Chu vẫn chưa chịu bỏ qua: “Để tôi chống mắt lên xem cô ta còn huyênh hoang được bao lâu.”

Càng nói càng quá đáng, anh hai Chu trợn mắt, nạt: “Cô đứng lên đi làm bánh xốp đi. Đừng để con trai tôi phải khóc đòi.”

Chị hai Chu đâu phải dạng vừa: “Ai thích thì đi mà làm, tôi không làm, trong nhà không có bột mì tinh.”

Rồi xong, anh hai Chu chịu thua, hình như chút bột mì tinh cuối cùng đã mang ra gói sủi cảo ăn hết rồi thì phải.

Bên nhà chị cả với chị ba Chu cũng không làm bánh xốp. Rối cuộc thì điều kiện nhà mình không bằng nhà thím tư, không cho phép thèm cái gì là ăn ngay cái đó.

Ông Chu đang vui vẻ ăn bánh xốp táo đỏ thì bà bạn già kế bên lại nhăn mặt phiền muộn.

“Bà làm sao thế? Ăn không ngon à?”

“Ăn ngon.”

“Ngon thì sao bà còn như vậy?”

Bà Chu thở dài thườn thượt, ngon thì ngon đấy nhưng mà ôi giời ôi nào là bột mì tinh, đường đỏ, táo đỏ, nuốt xuống bụng toàn thấy xót tiền xót bạc thôi.

Bà đành tự trấn an mình, không nên đi tìm con dâu tư, không nên đi tìm con dâu tư. Dù sao hai ông bà cũng đã có sự chuẩn bị rồi, tương lai không sợ ba thằng cháu nội không cưới được vợ.

Ông Chu nghĩ sao nói vậy: “Xem ra thằng tư được vợ nó chăm sóc càng ngày càng tốt.”

Xuất ngũ một thời gian rồi mà trông nó vẫn y như hồi còn trong quân ngũ, to khoẻ, rắn rỏi, cường tráng, tràn đầy nhiệt huyết.

Ba thằng Đại Oa cũng giống y như cha chúng, đừng nói đám nhóc trong thôn mà ngay cả mấy thanh niên choai choai, thậm chí đám đàn ông cũng không có được cái sức sống ấy.

Vì sao à? Tất nhiên là vì được ăn ngon rồi.

Bà Chu thở dài chán chê, cuối cùng mới nói: “À, mấy hôm trước Hiểu Mai nhắn về, vợ chồng nó muốn nhờ tôi trông con giúp. Ý ông thế nào?”

Mỗi tháng 5 đồng, một năm hơn 50 đồng. Cộng dồn mấy năm lại cũng được một khoản kha khá, chờ tới lúc đám Đại Oa kết hôn, có khi ông bà còn chuẩn bị được Tứ đại kiện cho chúng nó ấy chứ.

Vì hạnh phúc của mấy đứa cháu trai, bà Chu quyết định kiếm tiền từ cô con gái.

Bầu bạn với nhau bao nhiêu năm, Ông Chu thừa biết suy tính của bà, nhưng xét thấy chuyện này cũng ổn, cho nên nói: “Bà ở nhà giữ cháu cũng được, thỉnh thoảng rảnh rỗi thì đi đánh cỏ heo kiếm công chút điểm.”

Ông vẫn còn sức lao động, hơn nữa là lấy đủ mười phần công điểm, thừa sức nuôi bà bạn già.

Với cả, mỗi quý còn có lương thực trợ cấp từ 4 thằng con trai.

Bà Chu: “Vậy được, để tôi sang nói với mẹ Đại Oa một tiếng, khi nào nó có dịp lên thành tiện thể chuyển lời cho Hiểu Mai luôn.”

Ông Chu liền nói: “Đừng nói linh tinh với mẹ Đại Oa.”

“Tôi biết rồi.” Bà Chu phất tay rồi đứng lên đi sang nhà con trai tư.Lâm Thanh Hoà: “Mẹ sang đấy ạ, cha mẹ đã ăn bánh xốp chưa?”

“Ăn rồi, ăn ngon lắm.” Bà Chu cười, nhìn thấy ba thằng cháu nội vừa cầm bánh ăn vừa cười tít mắt.

Kế bên, thằng con trai cũng đang ăn dang dở một miếng to.

Bà Chu: “Mẹ qua nói về chuyện của Hiểu Mai.”

Lâm Thanh Hoà: “Mẹ nghĩ kỹ rồi hả? Nếu mẹ đồng ý thì để hôm nào con đi huyện thành con chuyển lời cho.”

“Ừ, nói với Hiểu Mai sinh xong cứ mang con về đây mẹ trông cho.”

“Cô út gửi mẹ năm đồng mỗi tháng nhưng tính ra tiền bạc có nghĩa lý gì, mẹ là công thần đấy, nếu không có mẹ thì chưa chắc cô ấy đã giữ nổi công việc đâu.”

Không kiếm được người trông con thì chỉ có cách tự mình ở nhà chăm, mất việc cũng phải chịu.

Phụ nữ ở nhà chăm con ngửa tay xin tiền chồng sẽ bị nói là đồ vô dụng, ăn bám chồng, bla…bla…Tất nhiên Tô Đại Lâm không tới nỗi như vậy, nhưng Lâm Thanh Hoà cảm thấy phương án này hết sức thoả đáng. Bà ngoại trông cháu còn gì yên tâm hơn. Chu Hiểu Mai vẫn giữ được công tác, dù kiếm ít hay kiếm nhiều thì công việc luôn mang lại cho phụ nữ sự tự tin, đồng thời được mọi người xung quanh xem trọng.

Bà Chu cười cười, ai da, vợ thằng tư này thật là, cái gì cũng nói ra miệng được, nhưng mà đúng thật ban đầu bà hơi ngại cái chuyện tiền công nhưng sau khi nghe con dâu nói xong thì bà yên tâm thoái mái hơn.

Lâm Thanh Hoà: “Nhỏ quá thì con không dám trông, nhưng lớn lớn một chút thì được. Tới lúc ấy nếu ví dụ hôm nào mẹ bận việc gì đó thì có thể mang cháu sang đây con nhìn giúp cho một lúc.”

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.