Thập Niên 60: Làm Giàu, Dạy Con

Chương 145: Chương 145: Quang tông diệu tổ




Editor: Tựa Thuỷ Lưu Niên

Chương 145: Quang tông diệu tổ

Mâm cơm tất niên năm nay rất phong phú, mâm cao cỗ đầy, sắc hương vị đủ cả.

Đặc biệt là đĩa thịt gà xào cay, con gà này Tô Đại Lâm xách từ huyện thành về, thịt dai, thơm ngon lại tô điểm thêm chút tương ớt của Lâm Thanh Hoà. Phải nói là hương vị bùng nổ.

Lâm Thanh Hoà không cho quá cay, chỉ hơi the the đầu lưỡng nhưng không thể phủ nhận nhờ đó mà món ăn được nâng cấp lên hẳn.

À, còn có món thịt khô xào cải. Sau bao ngày nằm buồn thiu ở hậu viện, cuối cùng thịt khô cũng đã được lên bàn.

Chu Hiểu Mai: “Từ ngày cha mẹ qua ăn chung với nhà anh chị, người ngợm có da có thịt hơn hẳn. Tay nghề nấu ăn của chị tư càng ngày càng tuyệt!”

Lâm Thanh Hoà: “Tiếc là chỗ chúng ta không có hải sản. Nếu có hải sản ấy hả, chị đây sẽ cho cô chân chính lĩnh giáo tài nghệ của chị.”

Vùng này không gần biển nên rất hiếm hải sản, quanh đi ngó lại chỉ có vài con tôm con cá nước ngọt.

Chu Hiểu Mai: “Hải sản chỉ có ở vùng duyên hải thôi, chỗ chúng ta làm gì có.”

Chu Thanh Bách nhìn vợ hỏi: “Em biết làm?”

Lâm Thanh Hoà ưỡn ngực: “Đương nhiên. Anh có thể mua không?”


Chu Thanh Bách gật đầu: “Ừ, lần trước gặp mặt, chiến hữu cho anh mấy con cua, nhưng anh không nhận.”

Lâm Thanh Hoà tiếc hùi hụi: “Thế mà anh không hỏi em trước?”

“Anh đâu biết là em biết làm.” Anh cũng chưa được ăn nhiều hải sản, với lại nhìn mấy con đó toàn vỏ là vỏ, lấy đâu ra thịt mà ăn, nhỉ?

Lâm Thanh Hoà liếc anh một cái: “Không biết xem hàng!”

Chu Thanh Bách: “Để lần tới anh hỏi cho.”

Lâm Thanh Hoà vội nói: “Lần sau có dịp qua đó anh đừng đi tay không. Mang cho chiến hữu của anh một bình tương ớt đi. Không đáng bao tiền nhưng thể hiện chút thành ý.”

Chu Thanh Bách gật đầu ngay: “Được.”

Lâm Thanh Hoà mời Tô Đại Lâm, Chu Hiểu Mai với vợ chồng ông bà Chu ăn nhiều vào, đừng khách khí.

Mọi người ăn uống vui vẻ. Cơm no rượu say, Đại Oa và Nhị Oa phụ trách rửa dọn.

Đối với Lâm Thanh Hoà, tết nhất cũng không có ngoại lệ. Cái này không phải là bóc lột mà là tuổi nhỏ làm việc nhỏ, tuỳ theo sức của mình.

Đại Oa sang năm lên 8, nhưng được ăn uống đủ chất nên cao hơn các bạn đồng trang lứa 1 cái đầu, ra đường bảo nó 10 tuổi sẽ có đầy người tin.

Nhị Oa cũng sắp lên 6, tinh ranh lanh lợi, ngày càng ra hình ra dáng vị quân sư quạt mo tương lai.

Nó nháy mắt với Tô Đại Lâm: “Dượng út, phụ tụi cháu một tay nhé.”

Tô Đại Lâm cười sảng khoái: “Được.”

Lâm Thanh Hoà: “Phụ cái gì mà phụ, hai đứa tự làm đi.”

Tô Đại Lâm xua xua tay: “Không…không sao.”

Chu Hiểu Mai xen vào: “Cứ để anh ấy làm đi, ở nhà anh ấy cũng làm mà.”

Lời này vừa thốt ra…ánh mắt sắc như dao của bà Chu lập tức phóng tới, Chu Hiểu Mai im bặt.

Tô Đại Lâm hiền lành tốt bụng chả để ý gì, vui vẻ xắn tay áo cùng Đại Oa, Nhị Oa rửa hết đống nồi niêu, chén dĩa.

Đương nhiên Lâm Thanh Hoà có chuẩn bị nước rửa chén là nước ấm, không sợ bị lạnh cóng tay. Rửa xong, cô còn thoa kem dưỡng da cho hai đứa nhỏ.

Đến tầm 9 giờ tối, cô bưng canh nấm tuyết táo đỏ nóng hổi ra mời mọi người.

Mỗi người uống một chén cho ấm bụng rồi ai về nhà nấy chuẩn bị đi ngủ.

Trên đường về Chu gia, Chu Hiểu Mai cảm khái: “Phải công nhận chị tư hiếu thuận với cha mẹ thật đấy. Toàn nấu đồ bổ.”

Từ hôm cô về tới nay, mới có mấy ngày thôi mà được nếm bao nhiêu đồ ngon.

Bà Chu gật đầu: “Ừ, vợ thằng tư rất có hiếu.”

Ông Chu chỉ im lặng lắng nghe không nói gì. Ông ít nói trước giờ, nhưng tất cả mọi chuyện ông đều nhìn thấu và ghi nhận trong lòng.

Dạo gần đây, ông cảm thấy khoẻ khoắn hơn hẳn. Trước đây ông chỉ mong mình sống tới 70 tuổi, ở quê 70 đã là đại thọ. Nhưng giờ ông cảm thấy mình có khi sống được thêm vài năm nữa, 75 cũng chưa biết chừng.

Kể từ dạo ăn cùng với vợ chồng thằng tư, chén cơm hớp nước được cải thiện rõ rệt. Cuộc sống này, quá mãn nguyện. Mong sao Trời Phật phù hộ cho ông sống lâu vài năm để hưởng phúc.

Vợ chồng Chu Hiểu Mai đã về nên tất nhiên nhóc Tô Thanh ngủ cùng cha mẹ.

Đúng là máu mủ tình thâm, Tô Thành rất quấn cha, mấy ngày nay lúc nào cũng dính chặt lấy bắt ẵm bắt bế, khiến Tô Đại Lâm cả ngày không làm được việc gì khác.

Trong phòng ông bà Chu.

Ông Chu nằm trong chăn ấm áp, nói với bà Chu: “Sang năm, có khi tôi giảm xuống còn tám phần công điểm thôi.”

Bà Chu nghe thế nói ngay: “Tôi đã nói với ông từ sớm rồi còn gì, già cả rồi, 8 phần là vừa sức, tại ông cứ thích thể hiện.”

Có phải thanh niên trai tráng gì cho cam. Già cả rồi, xương khớp lỏng lẻo hết rồi, lại còn cứ sĩ diện tranh đua với lớp trẻ.

Lúc trước bà khuyên hết nước hết cái mà lão già cứng đầu này đâu có chịu nghe, chả hiểu sao tự nhiên bây giờ lại giác ngộ thể không biết.

“Sao tự nhiên ông lại nghĩ thông suốt thế hả?”

Ông Chu trầm ngâm: “Tôi muốn sống thêm vài năm.”

Bà Chu không nhịn được, bật cười thành tiếng.

Ông lão này thật biết tính toán, được ăn ngon nên muốn sống lâu hưởng phúc đây mà.

Bà Chu nói: “8 phần là đủ cho tôi với ông ăn. Sang năm Tô Thành lớn rồi, tôi có thể tranh thủ đi đánh cỏ heo đổi công điểm. Tiền Hiểu Mai đưa, cứ cất lên để dành sau này cho mấy đứa Đại Oa hỏi vợ. Mấy anh em nó lớn lên giống hệt cha mẹ, đều tuấn tú ưa nhìn, chắc cũng không tốn kém lắm đâu.”

Ông Chu: “Đại Oa đi học đọc nhiều sách có khi chẳng cần dùng tới tiền của tôi với bà ấy chứ.”

Bà Chu không hiểu: “Là sao? Không cần tiền của chúng ta? Thế lấy tiền ở đâu? Vợ thằng tư làm gì có tiền tiết kiệm.”

Ông Chu: “Đại Oa nói với tôi nó muốn thi đại học Công Nông Binh.”

Bà Chu bất ngờ trừng lớn hai mắt: “Liệu có đậu không? Nhà họ Chu chúng ta trước giờ làm gì có ai học cao?”

Lời này tuy thô…nhưng mà thật.

Mấy chục thế hệ từ trên xuống dưới Chu gia đều là nông dân chân đất, không một ai nho nhã đọc sách viết văn, làm gì di truyền được tài năng học vấn.

Ông Chu: “Tôi nghĩ Đại Oa được đấy. Bà không thấy chứ chữ nó viết đẹp lắm. Còn có cái gì kêu là bài luận, bài khoá dài lắm mà nó thuộc làu làu, đọc vanh vách. Các môn học ở trường đều đạt 100 điểm.”

Bà Chu ngạc nhiên: “Sao ông biết?”

“Thì lúc tối, mẹ nó dò bài tôi ngồi đó nên thuận miệng hỏi mấy câu. Sau đó Nhị Oa cầm cho tôi xem bài kiểm tra của Đại Oa. Tôi cũng bất ngờ cực kỳ.”

Ông Chu đã học qua lớp xoá mù chữ nhưng ông cảm thấy chữ thầy giáo còn không đẹp bằng chữ Đại Oa.

Bà Chu kinh ngạc mãi mới thốt nên lời: “Không thấy vợ thằng tư nói gì.”

Ông Chu: “Giờ nó còn nhỏ, đã có gì mà nói.”

Bà Chu kích động: “Nếu thật sự Đại Oa có thể thi đậu Đại học Công Nông Binh, thế tức là nó sẽ thành sinh viên, lãnh đạo trên huyện sẽ xuống tận nhà ta khen thưởng, sau đó còn được đăng báo nữa. Thật đúng là quang tông diệu tổ. Haha!”

“Quang tông diệu tổ”: Là 1 thành ngữ ý chỉ con cháu công thành danh toại, thăng quan tiến chức, mang lại vinh quang cho tổ tiên dòng họ.

Ông Chu không nhịn được cong cong khoé miệng, nếu là ở thời phong kiến thì chính là Trạng Nguyên còn gì, rạng danh cả vùng ấy chứ.

Nếu có thể sống tới ngày nhìn thấy con cháu nhà họ Chu, dù chỉ có 1 đứa trở thành sinh viên Đại Học thì đời này của ông coi như quá mãn nguyện rồi. Kể cả có phải nhắm mắt xuôi tay ông cũng cam lòng.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.