Thiên Tướng Tận Trung

Chương 22: Q.2 - Chương 22: Định mệnh




Trong tháng này rất nhiều tin tức nặng kí mang tính bùng nổ truyền về khắp nơi khiến mọi người xôn xao, bàng hoàng và bất an.

Như là trong một đêm, cả cái Bạch gia, gia tộc quyền lực nhất huyện phủ Kha Xuyên bị cướp sạch. Phải biết rằng ở huyện phủ Kha Xuyên, Bạch gia là một thế lực vô cùng lớn, nó là một con quái vật khổng lồ với vô số răng nhọn um tùm và sắc bén.

Bạch gia không chỉ có quân đội tư nhân của riêng mình, mà nhờ quan hệ vô cùng tốt với các quan tổng phủ phía trên mà nó được các đội quân lính tinh nhuệ của tổng phủ bảo vệ trong bóng tối.

Bởi thế cho nên Bạch gia là một khối xương khó gặm, mà muốn gặm thì phải trả một giá đắt.

Vậy mà khối xương khó gặm đã trở thành quả hồng mềm mặc người giày xéo.

Quân lính tư nhân của Bạch gia và quân lính tinh nhuệ của tổng phủ dường như không đủ xem. Chỉ trong một đêm, bọn họ bị người khác khống chế, mãi cho đến khi “mọi việc đã xong” thì mới được thả ra.

Nhưng buồn cười nhất là lúc Bạch gia bị trắng trợn cướp bóc thì gia chủ Bạch gia vẫn còn du xuân ở một cái lầu xanh trên địa bàn huyện phủ Kha Xuyên. Khi đã thỏa mãn niềm sung sướng “nhỏ nhoi” ấy thì trưa ngày hôm sau gã này mới lếch xác về gia tộc. Chỉ vừa bước vào cửa, gã đã bị nhấn chìm trong không biết bao nhiêu lời mắng mỏ, chửi rủa từ cách bậc cha chú vì sự ăn hại của mình. Gã nhanh chóng trở thành cái đích để toàn thể Bạch gia trút lửa giận.

Từ hôm ấy, chuyện này trở thành một trò cười lớn cho những người dân xung quanh.

Như là chỉ trong một ngày, cả cái huyện phủ Trân Xuân bên cạnh bị một nhóm người lạ mặt quấy rối tưng bừng. Nghe đâu là nhóm người này chỉ đi ngang qua huyện phủ đó mà thôi. Ấy thế ông trời trêu ngươi, bọn họn tình cờ gặp được quan tri huyện huyện phủ Trân Xuân.

Mọi chuyện sẽ không có gì đáng nói nếu tên quan tri huyện này không giở ra thói hống hách. Ngày hôm đó lão ta ăn phải thuốc kích thích cho nên lão ngồi lên võng mà ra lệnh cho lính tráng khiêng đi dạo chơi.

Khi thấy nhóm người này chạy đi trong vội vã qua trước mặt lão rồi để lại từng làn bụi mù, lão mắng to:

“@##@##@... Chúng mày không biết nơi này là địa bàn của ai à? Sao chúng mày mà dám láo xược như vậy?”

Thế là ngay sau đó lão ra lệnh cho lính tráng chạy theo chặn đường họ lại. Rồi ngang tàng yêu cầu họ quỳ xuống liếm đôi giày lão ta đang mang.

Để rồi khi chọc phải người không thể chọc, lão quan tri huyện và đám lính tráng bị đánh bầm dập, mặt mũi sưng to như cái đầu heo. Chắc hẳn khi về đến nhà, người thân của bọn chúng sẽ phải kinh ngạc một phen.

Nếu nói hai câu chuyện trên chỉ là chuyện cười thì câu chuyện tiếp theo không có ai cười nổi. Khi nhận được tin tức này, mọi người đều cảm thấy sự việc quá nghiêm trọng.

Đó là câu chuyện về sự mất tích của các thợ rèn, thợ thủ công, thợ xây dựng… nổi tiếng trong vùng và cả gia đình của họ. Thậm chí ở một số thôn làng tại các huyện phủ khác nhau, chỉ sau khoảng hai đến ba ngày, tất cả người dân ở đó đột ngột bốc hơi mà không có dấu hiệu nào và cũng không hề có dấu vết nào để lại.

Vì thế mà người dân cảm thấy sợ hãi, họ bắt đầu cẩn thận rất nhiều. Nếu như trước kia gặp phải một người lạ hỏi đường thì họ vui vẻ tiến đến chỉ dẫn chi tiết. Nếu như trước kia có một người nhỡ đường xin vào tá túc một đêm thì họ sẵn sàng mời vào. Còn bây giờ lại là một tình cảnh không mấy tốt đẹp. Họ chỉ dám đứng từ xa mà chỉ đại một phương hướng rồi bỏ đi, họ chỉ dám từ chối nhã nhặn khi gặp người xin tá túc. Một số người tốt bụng hơn cũng chỉ giúp người lỡ đường có một chỗ ngủ thoải mái ở bên ngoài căn nhà của họ.

Tuy nhiên không phải là không có tin vui. Tin vui nhất chính là bọn sơn tặc, bọn cường đạo không biết phát điên cái gì mà tập trung toàn bộ lực lượng lao vào chém giết nhau.

Nghe đâu là do tranh giành địa bàn, nghe đâu là do mâu thuẫn chuyện làm ăn. Mà cũng có thể là do tranh đoạt một món tiền của phi nghĩa nào đó. Nhìn chung đa số người dân không quá quan tâm đến lý do mà họ chỉ nhìn vào kết quả.

Họ vui mừng tấm tắc và vỗ tay khen ngợi:

“Đánh tốt lắm.”

“Giết hay lắm.”

“Đánh nữa đi.”

“Đánh đi, cứ ăn thua đủ với nhau để lưỡng bại câu thương thì hay. Còn đồng quy vu tận thì càng tốt.”

“Hay hay. Có lẽ hôm nay ta phải về đốt pháo ăn mừng.”

“Đúng vậy, đúng vậy. Chúng ta nên đốt pháo ăn mừng.”

Diễn biến của các cuộc chiến đẫm máu này trở thành đề tài nóng bỏng tay trong các tửu điếm, thanh lâu.

Đồng thời nhờ nó mà giá pháo tăng lên chóng mặt, cung không đủ cầu. Người làm pháo thì tối tăm mặt mũi cắm đầu liều mạng tăng sản lượng. Gian thương thì quăng tiền ra gom hàng rồi hét giá. Vậy nhưng cho đến hiện tại, người dân vẫn “nhiệt tình” bỏ tiền ra mua.

Người dân vui mừng như Tết đến vậy đấy. Còn lũ quan tham thì đau đầu và tức giận không thôi. Bọn chúng bỏ bao công sức móc nối, lén lút tạo quan hệ và lén lút ủng hộ bọn sơn tặc, cường đạo này; thậm chí lắm kẻ còn tự tay xây dựng rồi âm thầm điều khiển ở phía sau. Thế mà không biết vì cái lý do chết tiệt gì mà lũ ngu ngốc kia đều bị lôi vào vòng xoáy chiến đấu tàn khốc này.

Những gã quan này đều thấy phe phái, minh hữu, thuộc hạ của mình không thể nào tự chủ không tham gia cũng như không thể nào thoát ra được. Vì thế mà bọn họ mới đau đầu và tức giận.

Chỉ tội cho mấy chú bồ câu đưa thư. Chiến cuộc nổ ra không ngừng cho nên chúng bị nghiền ép sức lực, mỗi ngày không biết phải bay đi bay lại bao nhiêu lượt. Dù khổ không thể tả nhưng chúng không có lựa chọn nào khác. Dù đau lòng nhìn những người bạn gắn bó với mình bấy lâu lăn đùng ra sùi bọt mép mà chết hết sức khó coi vì kiệt sức như thế, nhưng chúng vẫn phải gồng mình lên mà bước theo con đường đã được định sẵn này.

Than ôi! Dù tốt và tài giỏi đến mấy mà vận mệnh bị những kẻ đần độn và ác độc nắm giữ thì kết cục chính là bi ai như vậy đấy.

Nhờ bồ câu, bọn quan này không ngừng tìm cách hỗ trợ, không ngừng tìm cách trợ giúp, thậm chí là không tiếc cử người viện trợ “người mình” vùng vẫy. Nhưng thật đáng tiếc, tất cả cũng chỉ là phí công vô ích.

Bởi thế mà gần đây các huyện phủ ở vùng xung quanh nơi này có vô số màn trình diễn âm thanh đặc sắc.

“Choang…”

“Phế vật, phế vật.” – Tiếng rống giận.

“Xoảng…”

“Tao nuôi chúng mày bao lâu nay để làm gì thế?” – Tiếng gào thét.

“Rốp…”

“Chó chết, chó chết. Chúng mày là một lũ ăn hại.” – Tiếng heo bị chọc tiết.

“Đùng…”

“Chúng mày mà không nghĩ ra cách nào nữa thì đi chết cả đi.” – Tiếng nghiến răng nghiến lợi.

“Bùm…”

“Cút, cút hết đi cho tao. Cút, cút khỏi mắt tao.” – Tiếng xua đuổi đầy chán nản.

“Choeng…”

“Còn đứng đó làm gì? Cút ngay lũ vô dụng.” – Tiếng giận cá chém thớt.

“Ầm…”

Thế nên dạo này các gia đình chuyên sản xuất đồ chất lượng cao và đắt tiền ăn nên làm ra. Đồ họ sản xuất ra bán đắt như tôm tươi khiến họ vui mừng đến nỗi cười không ngậm miệng vào được.

Thế là họ lại đốt pháo ăn mừng. Cho nên giá pháo lại một lần nữa bắt đầu tăng cao.

Nhìn thế nào cũng thấy cả vùng này rơi vào bầu không cực kỳ quỷ dị. Người đến người đi tấp nập không ngớt. Dân bản địa thì hối hả làm ăn, người dân các khu vực xung quanh thì kéo nhau đổ về kiếm lợi, cũng có không ít thành phần trí thức ùa vào săn đón những diễn biến mới nhất của những trận chiến đẫm máu chốn rừng sâu.

Phải nói rằng vốn hòa bình bao nhiêu lâu nay, bây giờ lại xuất hiện tranh đấu to lớn như thế thì nó nghiễm nhiên trở thành tâm điểm, nó trở thành đoạn lịch sử nhỏ bé le lói trong đêm. Vốn đang rảnh, vốn đang an nhàn thì đi mở mang kiến thức, đi xem cuộc vui là lựa chọn tốt nhất.

Biết là nguy hiểm, nhưng họ cho rằng họ chỉ cần cẩn thận là được, họ chỉ cần núp trong thôn trấn là ổn. Trừ những nhóm sơn tặc, cường đạo chán sống muốn đối đầu với Thiên triều, còn không thì khi họ ở trong thôn trấn, họ sẽ được an toàn. Hiển nhiên là họ tin vào sức mạnh, họ tin vào quân đội của Thiên triều.

Dòng người đổ về đây càng làm cho thế cục trở nên hỗn loạn không thể tả.



Giữa âm thanh huyên náo, giữa dòng người như thoi đưa, một người thư sinh với búi tóc cao và chiếc quạt nơi tay phải ngược xuôi qua các quầy hàng trên phố.

“Hì hì… Gia gia, cây trâm này giá bao nhiêu thế?”

“A, vị công tử này thật biết nhìn hàng. Cây trâm này mà đem tặng cho người yêu là đảm bảo cô nương ấy vui mừng như điên. Giá thì cũng rẻ thôi: mười lượng bạc.”

“Gia gia, ngài bán quá đắt rồi đấy. Ba lượng bạc thì ta mua.”

Lão già lắc đầu:

“Công tử, ngài chớ đùa. Cây trâm ngọc xinh đẹp này có thể nào có giá rẻ mạt như thế? Tám lượng là giá chót.”

Thư sinh không ngại trả giá:

“Năm lượng. Đó là giá cuối cùng. Nếu ngài bán giá đó thì ta mua, còn không thì thôi.”

Lão già chủ quầy hàng thở dài:

“Công tử, ngài quá keo kiệt rồi. Thôi đi đi, bán giá năm lượng thì ta lỗ vốn mất rồi. Bảy lượng, giá này là giá gốc đấy.”

Nghe vậy, người thư sinh bĩu môi:

“Có kẻ ngốc mới tin.”

Nói xong, hắn ngoảnh mặt bước tới cửa hàng son phấn bên cạnh.

Liên tục dùng tay lật xem những chiếc gương xinh xắn. Và khi chọn ra một chiếc ưng ý, hắn mỉm cười hỏi chủ quầy hàng:

“Cái gương này thím bán thế nào?”

“Năm lượng bạc chắc giá.”

Đồng thời người phụ nữ chủ quầy bỏ thêm một câu:

“Không mặc cả.”

Người thư sinh săm soi thật kĩ chiếc gương nhỏ bé này. Chần chừ do dự một lúc lâu hắn mới móc ra một cái túi từ trong ngực. Rồi lấy ra năm lượng bạc từ cái túi ấy đưa về hướng người phụ nữ.

Người phụ nữ nhận lấy tiền rồi liếc nhìn hắn đầy ẩn ý mà nói:

“Công tử, giờ nó đã là của ngài.”

“Cảm ơn thím.” – Người thư sinh đáp lại.

Sau đó hắn tung tăng dạo quanh nơi này.

Một lúc sau, một gã người hầu chạy hồng hộc tới trước mặt hắn. Gã vừa thở dốc vừa oán trách:

“Tiểu thư, sao tiểu thư lại bỏ đi mà không nói cho em một tiếng? Người báo hại em phải chạy đi tìm. Tiểu thư có biết em mệt gần chết không.”

Thấy mọi người xung quanh ngạc nhiên quay lại nhìn và nhếch miệng cười với vẻ mặt “chúng ta đều đã hiểu”, người thư sinh trừng mắt về phía người hầu gái, sau đó dùng chiếc quạt đang cầm gõ vào đầu kẻ phá đám.

“Cốp.”

“Tiểu Điệp, ta nhắc ngươi bao nhiêu lần rồi, ra ngoài thì phải gọi ta là công tử.”

Tiểu Điệp ủy khuất nói:

“Vâng tiểu thư.”

“Cốp.” - Và nàng nhận thêm một cú nữa.

“Là công tử, không phải tiểu thư.” – Người thư sinh sửa lại.

“Vâng thưa công tử…” – Hầu gái Tiểu Điệp kéo dài âm của từ cuối cùng ra.

Nghe cuộc đối thoại này, mọi người ở xung quanh cười lên ha hả.

Len lén co rụt cái cổ lại, thư sinh ngượng ngùng mà quay về phía người hầu gái nhỏ giọng nói:

“Tiểu Điệp, nhanh đi thôi.”

Thấy mọi người cười trêu, Tiểu Điệp đỏ mặt lên, nàng nói nhỏ như muỗi kêu:

“Vâng, công tử.”

Hai người lách người bỏ chạy ra xa nơi này. Chỉ để lại tràng cười khẽ ở phía sau nhỏ dần, nhỏ dần.



“Tất cả là tại em nên ta mới bị mọi người cười cợt như vậy.” – Thư sinh vừa đi vừa nói.

Tiểu Điệp chậm rãi bước theo sau. Khẽ đảo mắt nhìn quanh, khi không thấy có người nào xung quanh, cô nàng buồn bực than vãn:

“Sao tiểu thư lại trách em? Tất cả cũng là do cái tính khí của tiểu thư mà thôi.”

Rồi cô nàng giơ nắm đấm nhỏ lên mà hừ hừ:

“Ai đời là con gái mà ra ngoài cứ phải khoát lên mình cái dáng vẻ con trai làm gì chứ? Mặc đồ con trai đã khó chịu rồi chứ đừng nói là phải đóng giả.”

Thấy thư sinh không phản ứng gì, cô nàng mạnh bạo tiếp tục:

“Tiểu thư, em đúng là không hiểu người nghĩ gì nữa. Chúng ta cứ ăn mặc bình thường không tốt sao? Vì sao lại cứ phải cải trang như thế này. Lão gia cũng nói bao nhiêu lần rồi, tiểu thư không nên như thế này nữa.”

Thư sinh

“Ngươi thì biết cái gì. Hành tẩu giang hồ thì phải cải nam trang để tiện bề hành động.”

“Nhưng mà tiểu thư, chúng ta chỉ là đi dạo thôi mà.”

“Đi ra ngoài thì phải như vậy. Đây là nơi xa lạ, thế nên phải cẩn thận, cẩn thận có biết không.”

“Nhưng mà lão gia nói chúng ta không cần phải làm vậy. Lão gia còn bảo lão gia không thích nhìn thấy bộ dạng này của tiểu thư.”

“Đừng nhắc đến cha ta nữa. Cha ta chỉ mãi lo công việc, ngươi cũng thấy rồi đấy, cha ta chẳng có thời gian quan tâm đến ta nữa là.”

“Đó là do lão gia có công vụ bên người. Vả lại lão gia là thủ lĩnh thì người phải lo lắng đủ thứ cho tất cả mọi người. Tiểu thư, một tháng trở lại đây chỗ chúng ta cũng không hề yên bình như dĩ vãng nữa. Cho nên người phải thông cảm cho lão gia. Lão gia nào có muốn xử lý nhiều công việc đến thế đâu? Tất cả cũng là do thế cuộc bỗng nhiên rối ren.”

Người thư sinh bất đắc dĩ quay đầu, rồi chán nản lên tiếng:

“Được rồi, được rồi Tiểu Điệp. Những lời ngươi nói ta đều hiểu cả. Ngươi không cần cứ nhai đi nhai lại như vậy đâu.”

Đúng lúc này, Tiểu Điệp hốt hoảng kêu lên:

“Công tử, cẩn thận.”

Thư sinh chưa kịp phản ứng thì đã va vào một người vội vã lao ra đường chính từ con hẻm. Bị đụng đau, có chút choáng váng, nàng lùi lại vài bước.

Tiểu Điệp vội vàng tiến lên đỡ nàng và dò hỏi:

“Công tử, người không sao chứ?”

Thư sinh dùng tay phải xoa xoa vết thương trên trán. Cơn đau truyền lại, nàng nhăn nhó.

Tiểu Điệp thấy vậy thì giận dữ chỉ thẳng về người thanh niên kia mà quát:

“Ngươi đi đứng cái kiểu gì vậy? Ngươi không biết nhìn đường à?”

“Ta… Ta…” – Người thanh niên há to miệng không biết trả lời thế nào.

Mấy hôm nay hắn phải chịu huấn luyện liên tục không ngừng nghỉ. Có là người sắt thì cũng mệt không thở nổi. Vậy nên hắn mới ngơ ngơ ngác ngác đi đường trong cơn buồn ngủ cùng cực. Để rồi tình cờ va phải tên thư sinh.

“Ta cái gì mà ta, ngươi va vào người khác mà không biết xin lỗi à?”

Ngay lúc này, người thanh niên kia nhìn thấy một người thanh niên tiến về phía phía mình, hắn liền cung kính cúi đầu:

“Đại nhân.”

Người thanh niên mới tới nhướng mày quát khẽ:

“Ngươi có biết tội?”

“Đại nhân, tiểu nhân biết tội. Tiểu nhân không nên làm chậm chễ thời gian của đại nhân, càng không nên để đại nhân đích thân tới đây.”

“Được rồi, ngươi nhanh chóng tiến lên hội hợp với họ đi.” – Người này ra lệnh.

Rồi hắn quay về phía hai cô gái mà chắp tay xin lỗi:

“Tại hạ quản giáo thuộc hạ không nghiêm. Vì thế chân thành xin lỗi hai vị cô nương.”

Nghe người thanh niên nói, thư sinh ngạc nhiên hỏi:

“Sao ngươi biết chúng ta là nữ?”

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.