Tính Ảnh Trầm Bích

Chương 12: Chương 12




CHƯƠNG 11 PN1

Phiên ngoại về cháu bánh bao

Nhật ký bí mật của Tống thượng cung

Một

Mùa xuân năm Nguyên Hưng thứ hai, già được bệ hạ ủy thác làm tập giáo ma ma cho tiểu điện hạ.

Là nhũ mẫu của bệ hạ, dĩ nhiên già đã từng thấy bệ hạ lúc còn nhỏ xíu, nhưng còn tiểu điện hạ mắt to tròn trong veo ầng ậng nước, thiệt đúng là nhìn hoài không ra bóng dáng bệ hạ lúc còn nhỏ.

Tiểu điện hạ rất ngoan, ăn no thì lăn ra ngủ khì, ngủ no thì mở to mắt ra nhìn qua nhìn lại tìm người, không quấy, cũng không khóc nhiều. Mấy ngày đầu điện hạ mới sanh, chỉ cần đói bụng là già sẽ ẵm đến tẩm điện của bệ hạ để Văn Tướng gia tự tay đút cho ăn. Một vị nam tử cầm cái muôi tí hon đút sữa cho em bé, nếu không phải chính mắt trông thấy thì nói kiểu chi cũng thấy buồn cười, vậy mà chẳng cười nổi một tẹo nào cả. Từ ái trong mắt Tướng gia chẳng kém bất cứ ai làm mẹ.

Tiểu điện hạ đầy tháng, đường nét đã nẩy nở rồi, trừ cái mũi và cái tai y chang bệ hạ, còn lại thì chẳng phải là giống Văn Tướng gia sao? Tiệc đầy tháng, lúc già ẵm tiểu điện hạ để các quan lễ kiến, nghe thấy đám người kia toàn miệng cáo già, nào là “Tướng như rồng phượng”, “Phúc của bệ hạ”, “Diện mạo đế vương”, thiệt tình thiếu chút nữa làm bà già này chết khiếp vì cười.

Tiệc có rất nhiều người, ồn ào vô cùng, với tiểu điện hạ thì toàn là người lạ mặt, huống hồ tiệc còn kéo dài rất lâu. Giữa chừng, tiểu điện hạ oa oa khóc rống lên, già vội ẵm cậu xuống dưới để bà vú cho bú. Ai mà biết, tiểu điện hạ bú no rồi, thay tã xong rồi vẫn quấy khóc không ngừng. Già dỗ dành cả buổi trời mà công cốc, hết cách bèn ẵm cậu trở lại tiệc để bệ hạ ôm cậu một lúc. Tiểu điện hạ ở trong lòng bệ hạ thì ngừng khóc, cầm lấy một nhành hoa đưa đến trước mặt vân vê cánh hoa. Chơi được một lát thì miệng lại mếu ra, khóc òa. Bệ hạ dịu dàng dỗ hồi lâu cũng không xong, bất lực nhìn Tướng gia, ý cầu cứu thiệt tình là không hề giấu diếm. Tướng gia bất đắc dĩ ngập tràn, trước mắt bao người đón lấy tiểu điện hạ. Chẳng biết người dỗ dành làm sao mà tiểu điện hạ lại khanh khách cười hai tiếng, một tay túm lấy tóc Tướng gia, tay kia chùi mấy cánh hoa cậu bóp nát lên ngực áo Tướng gia. Tiệc tùng lặng ngắt như tờ, chỉ có tiếng cười y y nha nha của tiểu điện hạ và giọng nói nhẹ nhàng của Tướng gia. Bệ hạ bước đến ngồi xuống bên cạnh Tướng gia, ôm lấy bờ vai Tướng gia nhìn người dỗ tiểu điện hạ cứ như không có người ngoài.

Bệ hạ ôi, ngài bảo thần tử đông nghịt trong buổi tiệc này phải đặt con mắt chỗ nào đa!

Hai

Tiểu điện hạ có hai phụ thân. Thời gian bệ hạ chăm nom cậu cũng nhiều, nhưng cậu càng thích chui vào lòng Tướng gia hơn.

Ban ngày bệ hạ ở điện Chính Đức giải quyết chánh sự, già sẽ bồng tiểu điện hạ ra ngoài vườn hoa của điện Chính Đức để phơi nắng, nghe chim hót véo von, ngắm hoa lá cỏ cây trong vườn. Bệ hạ mệt mỏi sẽ đến ẵm tiểu điện hạ cho ngồi trên đùi, chỉ vào hết thứ này đến thứ kia trước mặt để dạy cậu. Thỉnh thoảng Tướng gia cũng từ điện Hiền Anh đến, ngồi xuống bên cạnh bệ hạ. Lúc đó tiểu điện hạ sẽ bò lên đùi Tướng gia, dựa vào ngực của người, mở to mắt nghe họ bàn luận việc nước. Đến khi họ nói chuyện xong mới bi bô lên tiếng gây chú ý.

Ban ngày Tướng gia bận rộn chánh sự, nếu tiểu điện hạ không ốm sinh ra khó chịu thì rất ít khi quấy đòi Tướng gia ẵm bồng. Đến buổi tối, nhất định phải là Tướng gia tự tay đút ăn, đút uống sữa, tắm rửa sạch sẽ, thay tã. Ngay cả ngủ, nếu bệ hạ nằm trên giường dỗ cậu, cậu sẽ xòe mấy ngón tay chút chẹo túm tóc bệ hạ chơi, thường thì càng dỗ càng tỉnh ngủ. Đổi là Tướng gia dỗ cậu ngủ, cậu sẽ ngoan ngoãn dựa vào trước ngực Tướng gia, nghe người nhẹ nhàng gọi nhũ danh à ơi, vuốt ve khuôn mặt người rồi ngủ thật yên. Chờ cậu ngủ say rồi, Tướng gia mới đưa tiểu điện hạ cho già trông.

Tiểu điện hạ được sáu tháng thì dần dà sinh ốm, khi thì ho, khi thì sốt, bệnh không nặng nhưng quấy vô cùng, trừ Tướng gia ra thì đừng hòng ai đến gần được. Tướng gia hết cách, đẩy hết chính vụ trong tay sang bệ hạ. Bản thân người ngày đêm trông nom, lúc đút thuốc càng kiên nhẫn hơn cả, một muỗng thuốc đến một muỗng nước mật, một lần đút cả nửa canh giờ, già nhìn mà thấy mệt thay cho người. Đêm đến càng không rời nửa bước, nếu tiểu điện hạ phát sốt giữa đêm, người sẽ tỉnh dậy trước hết, gọi thái y vào, đợi xử lý xong, đến khi tiểu điện hạ ổn định lại mới ngả lưng chợp mắt một lát, thường lúc ấy đã đến giờ thức dậy cho buổi chầu triều sớm.

Tiểu điện hạ bệnh một trận mà Tướng gia cũng tiều tụy theo, tội nghiệp nhất chính là bệ hạ. Bên này vừa phải quan tâm chính sự, bên kia lại phải lo lắng việc nghỉ ngơi của Tướng gia. Cô đơn gối chiếc khó ngủ, tánh nết vì vậy khó tránh khỏi cáu kỉnh. Vì thế, một khi tiểu điện hạ bị bệnh, các quan đều nơm nớp lo âu, khẩn thần bái phật mong sao cho tiểu điện hạ sớm ngày khỏe mạnh.

Nhũ mẫu Bích Vân nhìn thấy những việc này rõ hơn ai hết, cô ấy nói, “So với chuyện khấn cho tiểu điện hạ không ốm không đau, không bằng mong tiểu điện hạ đừng quấn chỉ một mình Tướng gia thôi.”

Già trông thấy ánh mắt bệ hạ nhìn thiên điện của cung Vĩnh Ninh oán khí ngút trời. A di đà Phật, chao ơi Tướng gia, hèn gì người ta bảo ngài trấn được triều đình, ngủ được long sàng, đi vào sử sách ngàn năm cũng như vào lòng muôn ngành bách tính. Trên đời này được mấy người nam tử như vậy, còn muốn đám phụ nữ chúng ta làm cái gì!

Ba

Lễ Trảo chu của tiểu điện hạ, bệ hạ cho mời cả tam công tử nhà họ Văn và một số tâm phúc đại thần đến cùng xem.

Mọi người bày quà xuống thảm, quây thành một vòng tròn. Có ngọc tỷ bệ hạ mang đến, có sách sử của Tướng gia, có tượng gỗ hình bò dê của Nhạn tướng quân, có quả cầu huân hương dát vàng của Văn tam công tử. Sử Các lão mang văn phòng tứ bảo, Tiết đại nhân mang đèn ***g người giấy, có con diều của Khổng đại nhân, có tượng đất đủ màu của Trình đại nhân. Già không mang gì khác theo, thuận tay đặt hạp son xuống một góc cho đủ bộ.

Tiểu điện hạ nằm úp ở chính giữa, nhìn nhìn con diều lại cầm lấy đèn ***g, xoay xoay một hồi rồi quẳng sang bên, ôm chầm lấy tượng đất, nhào nặn đôi Ngưu lang Chức nữ thành ra nát nhừ, đất sét đủ màu trộn lẫn vào nhau. Cậu nhỏ cười khanh khách liên tù tì, khiến cho người đứng ngoài cũng bật cười theo. Cười xong rồi thì bò đến bên cạnh ngọc tỷ, đưa tay trét toàn bộ đất sét trên tay lên con rồng vàng trên ngọc tỷ. Già trộm nhìn bệ hạ, ngài bình thản như đã dự đoán từ trước. Tướng gia mím môi, cũng không che giấu được ánh cười trong mắt. Tiểu điện hạ bò thêm mấy bước thì nắm lấy hạp son của già, quơ lên mũi hửi hửi rồi quay sang Tướng gia o oe kêu. Già hô lên không ổn rồi, mùi son đó và hương liệu để xông y phục của Tướng gia đều là mùi đồ mi[i]. Chỉ thấy tiểu điện hạ cầm son bò đến trước mặt Tướng gia, nhún nhún người muốn bò lên. Tướng gia ẵm cậu vào lòng, tiểu điện hạ một tay giơ son lên y y nha nha, còn bàn tay nhỏ xíu còn lại thì vỗ nhẹ vào khuôn mặt Tướng gia. Bệ hạ ha hả cười, Tướng gia đỏ mặt, Sử các lão vuốt râu mép nhẹ nhàng nói, “Mười tám năm sau lại một kẻ tình si!”

Tiểu điện hạ, cậu bảo ma ma tìm đâu ra người tốt như Tướng gia làm hoàng hậu cho cậu bây chừ? Thiệt chu choa là rầu!

Bốn

Nhớ hồi bệ hạ còn nhỏ học gì đều nhanh chóng, tiểu điện hạ bây giờ cũng lĩnh hội tương đương.

Một tuổi ba tháng, tiểu điện hạ biết lững chững tập đi, một tuổi năm tháng biết nói tiếng đầu tiên, không phải “cha” cũng không phải “mẹ”, mà là “ẵm”. Dù nói chưa thực tròn tiếng nhưng cũng làm người ta hiểu rõ.

Bệ hạ yêu Tướng gia hết mực, cung vua ai ai cũng biết. Lúc có chúng ta ở đó thì Tướng gia ngại nên không cho bệ hạ hoa tay múa chân. Bệ hạ đang tuổi tráng nên, có mỹ quyến ở bên, đạo lý nào mà nhịn được! Lâu lâu ngài cũng ôm ôm người ta trước mặt tiểu điện hạ, thậm chí thơm vào má thật cưng chiều. Có một lần kia, khi Tướng gia đang rất vui, bệ hạ nhịn hết nổi hôn một cái lên môi, già còn chẳng kịp đưa tay bịt mắt tiểu điện hạ.

Ngày hưu mộc[ii] tháng Chín, Tướng gia buông mọi sự vụ trên tay để chăm tiểu điện hạ, buổi trưa cùng tiểu điện hạ ngủ trên giường, bệ hạ cũng ở cạnh bên. Già xem chừng thay tã cho tiểu điện hạ, rón rén bước tới bên giường, bệ hạ và tiểu điện hạ đã tỉnh. Tiểu điện hạ trở mình, bò lên vai Tướng gia, chống bàn tay bé xíu lên gối. Tướng gia bị cậu lay tỉnh, đang mơ mơ màng màng. Tiểu điện hạ nhìn bệ hạ rồi nhìn tướng gia, kêu một tiếng “thơm” mềm mại rồi cúi đầu đưa cái miệng nhỏ thơm lên môi tướng gia. Già phát hoảng, bệ hạ thì giật mình ngồi dậy, một tay túm lưng áo tiểu điện hạ nhấc vào lòng mình, tay kia đét đít tròn tròn của tiểu điện hạ. Tướng gia vội vàng ngăn ngài lại, giằng lấy tiểu điện hạ ôm vào lòng mình. Bệ hạ giận mà không trút được, thiệt tình  là ngay cả nhìn già cũng nhăn nhăn nhó nhó.

Sáng sớm hôm sau, Tướng gia có một ngày không tự thức dậy được. Tiểu điện hạ à, cậu muốn thơm cũng phải nhìn coi có ai ở ngoài hay không đã. Ăn vụng bị tóm thì quá là hông có cao minh.

Năm

Tiểu điện hạ càng lớn càng nghịch ngợm, đặc biệt sau khi cậu biết chạy rồi thì thường quay người ta như chong chóng.

Vậy là trong cung thường sẽ xảy ra chuyện như vầy: già quay đi lấy đồ gì đó, tiểu điện hạ sẽ biến đâu mất tiêu, lát sau bị thị vệ đi tuần ẵm quay về thiên điện của cung Vĩnh Ninh. Bệ hạ ở điện Chính Đức giải quyết việc công, tiểu điện hạ cũng thường chạy qua quấy rối. Bò lên chân bệ hạ, ngồi ịn lên bàn, bàn tay bé quẹt đầy mực nước, khanh khách cười liên tù tì. Có một thời gian, bệ hạ trao trả tấu chương lại cho các bộ cũng không dùng ngọc tỷ đóng dấu nữa.

Bệ hạ có chút dung túng tiểu điện hạ, nhưng Tướng gia lúc đang xử lý chính sự thì vô cùng nghiêm khắc. Thỉnh thoảng tiểu điện hạ chạy qua điện Hiền Anh làm nũng, Tướng gia sẽ ôm cậu ngồi lên đùi, chỉ vào tấu chương đọc lên từng chữ từng câu. Có một lần nhân lúc Tướng gia không chú, ý, tiểu điện hạ bò lên bàn, bàn tay dính đầy mực đang định ấn uống thì bị Tướng gia ôm lại, sau đó nghiêm mặt lại dạy dỗ thật kỹ càng. Tiểu điện hạ là lần đầu tiên thấy cha nghiêm túc như thế, muốn khóc cũng hổng dám khóc. Từ sau lần đó, chỉ cần tiểu điện hạ được Tướng gia ẵm trên tay thì như chuột chít gặp mèo, ngoan ngay tắp lự.

Từ ngày hôm ấy, già liền theo sát tiểu điện hạ từng giờ, phòng khi cậu nhỏ gây rắc rối trước mặt Tướng gia, gì thì gì, cẩn thận mấy cũng có khi sơ sót mà.

Có khi tiểu điện hạ quấy đòi ngủ chung với cha, bệ hạ thỉnh thoảng đồng ý, nhưng nếu ngài không cho phép là tuyệt đối không được. Nửa đêm hôm kia tiểu điện hạ mắc tè nên thức dậy, rón rén xuống giường chạy đi tè, tè xong thì muốn ngủ chung với cha nên chạy chân trần đến tẩm điện của bệ hạ, đẩy cửa ra. Nào ngờ đâu bệ hạ đang hoan hảo cùng Tướng gia, rèm cũng không buông. Tướng gia trần truồng lõa thể ngồi trong lòng bệ hạ, bị tiểu điện hạ nhìn thấy hết luôn. Già liền bịt mắt tiểu điện hạ bồng cậu ra ngoài, hô to lên nhận lỗi.

Trở về thiên điện, tiểu điện hạ hỏi cha đang làm gì vậy. Già đành phải nói Tướng gia mệt mỏi, bệ hạ đang giúp người giãn gân giãn cốt.

Hôm sau, Tướng gia bắt đầu phát cáu, còn bệ hạ trong cơn nóng giận thì đuổi tiểu điện hạ qua Đông cung ở. Chèn ơi bệ hạ, giấy sao gói được lửa!

Sáu

Tiểu điện hạ không phải chỉ sống trong cung, hằng năm vào mùa hè, bệ hạ sẽ đưa Tướng gia đến Phượng Minh sơn trang tránh nóng, đây cũng là mấy tháng yêu thích nhất của tiểu điện hạ.

Phượng Minh sơn trang rất lớn, ngoài những cung nữ, thị vệ do bệ hạ mang theo thì thợ thầy, tôi tớ ở đây cũng một, hai trăm người. Đôi lứa thấy ưng nhau thì cưới vợ gả chồng, thế là lại lòi ra cả đống đứa con nít tuổi xấp xỉ tiểu điện hạ. Tướng gia không đặt nặng chuyện tôn ti khuôn sáo, mỗi ngày dạy tiểu điện hạ học xong sẽ cho phép bọn nhỏ chơi đùa cùng nhau. Có bệ hạ ở đây, ngài sẽ buông tay để mọi việc ăn mặc sinh hoạt của tiểu điện hạ cho lão cung nhân là già đây chăm nom, còn toàn bộ việc dạy học thì đều nghe theo Tướng gia, nhìn một đám nhóc con nghịch đất trong sân, đập vợt bắt ve, chỉ cần Tướng gia không ngăn cản, ngài cũng sẽ không lên tiếng.

Nghe Bích Vân nói, bệ hạ từng hỏi Tướng gia, Tướng gia thuyết phục ngài rằng, “Mãn Nguyệt nhi sau này không chỉ gánh vác một nhà, mà còn gánh vác một đất nước. Lúc nhỏ đừng ép buộc con, cũng là bồi thường cho con.” Nhưng già lại nghĩ Tướng gia muốn tiểu điện hạ hòa mình vào dân chúng, trở thành một đấng minh quân suy nghĩ vì dân, vui niềm vui của dân.

Chơi với đám nhóc thì tránh không khỏi tình cờ gặp cha mẹ của đám nhóc. Có một ngày tiểu điện hạ hỏi già “mẹ” là gì, vì sao bọn nhỏ kia đều là do mẹ sinh ra, nhưng con lại không có? Già đành phải đem tiểu điện hạ đến xa xa, ngắm nhìn mẹ của bọn trẻ ấy.

Mẹ của Hổ Tử vóc người khỏe mạnh, mẹ của Tú Nhi có nước da ngăm ngăm, mẹ của A Linh dạy con không được đi đâu xa quá ngũ chỉ sơn của cô, còn con dâu của tổng quản sơn trang vốn rất khá, là tiểu thư của một nhà thi thư, nhưng chẳng biết vì sao mà không sinh được con trai, suốt ngày bị nhà chồng ghét bỏ, dáng điệu sợ đầu sợ đuôi.

Già nói với tiểu điện hạ, “Mãn Nguyệt nhi, dù con là từ bụng Tướng gia sinh ra, nhưng yêu thương mà Tướng gia dành cho con không thua bất kỳ một người mẹ ruột thịt nào. Con có muốn phụ thân làm mẹ của con không?”

Tiểu điện hạ nhìn Tướng gia đang cùng bệ hạ vẽ tranh tiêu khiển đằng xa, lại nghĩ đến những người “mẹ” vừa thấy, vội chạy qua, ôm chầm vào lòng Tướng gia.

Tiểu điện hạ à, làm người không thể tham lam như vậy, nếu con không cần Tướng gia thì sau này có muốn khóc cũng không kịp nghen.

Bảy

Người làm cha mẹ luôn mong muốn con cái thân thiết với mình, nên thường phát sinh màn vợ chồng thi nhau tranh thủ tình cảm của con. Nhưng bệ hạ và tướng gia thì khác với những cặp phu thê bình thường. Trong cung vua ai ai cũng biết, tiểu điện hạ có thể cưỡi lên đầu bệ hạ xem như ngựa nhong nhong, nhưng ở trước mặt Tướng gia thì thật sự là một tâm can bảo bối vui vẻ, ngoan ngoãn vô cùng.

Mỗi khi giáp Tết, bệ hạ đều đặt may y phục mới cho Tướng gia mặc cả năm, gấm vóc lụa là dư ra mới đến lượt cho tiểu điện hạ may áo mới. Ba người ngồi cùng bàn ăn, bệ hạ sẽ gắp thức ăn cho tướng gia, thỉnh thoảng mới gắp vào bát của tiểu điện hạ. Nếu là mùa đông cùng nằm một giường, cũng không phải là phụ thân cùng ôm con ngủ, mà là bệ hạ và tiểu điện hạ chia nhau trái phải ôm Tướng gia ngủ. Tiểu điện hạ chán trong cung khô khan, cũng đòi đi dạo phố, đi hội hoa. Ba người cải trang ra ngoài cung, gặp phải một người phụ nữ khéo ăn nói trong cửa hàng hỏi tiểu điện hạ là con nhà ai thế này, bệ hạ sẽ phe phẩy cây quạt che đi khuôn mặt tươi cười, xoay người bỏ đi.

Bệ hạ làm thế cũng không phải không thương tiểu điện hạ, mà là định bụng nghịch cảnh xuất nhân tài. Cơ mà già cho rằng ngài đang xấu hổ, cố tình để tiểu điện hạ gần gũi Tướng gia một chút.

Ai gần gũi ai hơn, ai thương ai hơn, bọn hạ nhân chúng ta đều hiểu rõ trong lòng là được, không cần đợi người ngoài nói ra. Nhưng sẽ luôn có người thích lấy chuyện này ra so bì.

Sử Các lão thảo luận chánh sự với bệ hạ xong xuôi, thấy Tướng gia và già dẫn tiểu điện hạ đi chơi quay về, bèn hỏi thử tiểu điện hạ, hai người cha con thích ai nhất?

Tiểu điện hạ chớp chớp đôi mắt tròn to, nhìn mấy người bên cạnh nói rằng: “Thứ nhất thích phụ hoàng, thứ hai thích Tống ma ma, thứ ba thích bà vú, thứ tư thích cậu.”

Khi tất cả mọi người đang lấy làm lạ vì sao tiểu điện hạ không nhắc đến Tướng gia, thì cậu đã nhào vào người Tướng gia nói lớn, “Số một là thích mẹ con.”

Bệ hạ và Sử Các lão cười đến mặt đỏ phừng phừng. Tướng gia thì mắc cỡ, mặt cũng đỏ au, nhưng người khom xuống ôm tiểu điện hạ vào lòng.

Tiểu điện hạ ôi, “Mẹ” thì mình cậu kêu lén lén là được. Nhìn Tướng gia như vầy, mai chắc là không dậy vào triểu nổi đâu.

Tám

Ai cũng có lòng ganh tị.

Các công tử nhà giàu tụ lại cùng nhau thì chắc không gì khác ngoài tửu sắc, tài vận. Con cháu thế gia gặp nhau hẳn đa phần là nói về thi từ khúc phú, ngay cả bách tính bần hàn cũng thích tranh luận về công danh lợi lộc.

Bệ hạ sợ tiểu điện hạ ở trong cung khô khan buồn chán, thỉnh thoảng lúc gọi đại thần vào gặp sẽ cho phép họ mang con cháu tuổi xấp xỉ tiểu điện hạ tiến cung. Thứ nhất là để tiểu điện hạ đỡ buồn, thứ hai, cũng là dịp để quan sát tính nết của đám tiểu bối mới này, xem người nào sẽ thích hợp sau này phụ tá tiểu điện hạ.

Bọn nhỏ tụ lại một chỗ, đôi khi sẽ mang theo các loại đồ chơi. Võ tướng thế gia coi như là mang theo kiếm bằng gỗ đào, cũng lấy tơ vàng buộc quanh chuôi cầm kiếm, con cháu văn thần thích mang theo các loại ngọc bội, nếu trùng hợp trong nhà có người làm nghề buôn bán thì đứa tẻ đó càng mang nhiều đồ hơn, khiến quần áo trở thành một con chim công đang khoe hoa văn.

Khắp thiên hạ này đâu cũng là đất của vua, dân trong thiên hạ đều là thần tử của vua. Lũ trẻ con này có phú quý đến đâu, làm sao bì kịp với đế quân tương lai? Chỉ là Tướng gia luôn cho rằng ăn mặc, đồ dùng của tiểu điện hạ ngoài phù hợp thân phận ra thì phải cố gắng đơn giản. Vì vậy, nếu phân bì với bọn trẻ kia, tiểu điện hạ cũng không chiếm thượng phong.

Tình trạng này vẫn duy trì cho đến Tết âm lịch. Bệ hạ mở tiệc chiêu đãi các đại thần từ tứ phẩm trở lên, họ mang theo gia quyến gồi vào vị trí. Giữa buổi tiệc tiểu điện hạ y phục tôn quý, phục sức chỉn chu, khiến cho bọn nhóc con kia đều bị tuột đi. Có một đứa không phục, cả tiếng kêu lên, “Đồ dùng hoàng gia đều là tốt nhất, bọn ta không so với cậu. Nếu so thì so mẹ đây này, mẹ của ta là trưởng nữ thế gia!”

Thằng bé vừa ầm ĩ, toàn thể buổi tiệc khiếp sợ, người nhà của nó vội vàng quỳ xuống thỉnh tội. Quần thần đều lén nhìn sang Tướng gia – sắc mặt người hơi tái đi, ngay cả bệ hạ cũng cau mày tỏ vẻ không hài lòng. Cháu nhỏ kia cũng hiểu rằng mình vừa nói lỡ lời, sợ đến mức nước ầng ậng quanh viền mắt. Già xem tiểu điện hạ chống nạnh chu mỏ, lén cười trộm trong lòng. Quả nhiên, tiểu điện hạ lạch bạch hai bước ba bước chạy tới trước mặt Tướng gia, ôm chầm quanh hông, cao giọng nói với cháu nhỏ kia: “Ta không có mẹ, nhưng ta có đến hai người cha, nhiều hơn cậu một người cha. Văn cha thế gia còn lớn hơn mẹ cậu, Văn cha còn đẹp hơn mẹ cậu, Văn cha quan to hơn mẹ cậu, Văn cha làm việc lớn hơn nhiều so với mẹ cậu. Thích Văn cha thích hơn mẹ cậu nhiều! Hừ!”

Cháu nhỏ kia nghe xong thì thấy hết còn gì đem ra so bì nổi, “Òa” một tiếng khóc luôn.

Tiểu điện hạ, thảo nào bệ hạ nói cậu giống ngài, lời cậu nói đêm nay phỏng chừng là nói trúng tim đen của bệ hạ luôn.

Chín

Bệ hạ trù tính mang theo Tướng vương[iii] cải trang đi tuần, bảo là đi tuần trải nghiệm quan sát dân tình, nhưng e rằng là sắp xếp du sơn ngoạn thủy, xem phong cảnh hồng trần mới là chuyện chính.

Đêm trước khi Tướng vương lên đường, gọi tiểu điện hạ và già đến trước mặt, ân cần bảo ban tiểu điện hạ cả một canh giờ sau đó, dặn dò già mọi chuyện lớn nhỏ thật tỉ mỉ. Có thể thấy rằng dù Tướng vương miệng nói yên tâm, trong lòng vẫn lo lắng bất an, dù sao cũng đi đến ba bốn tháng trời, ngoại trừ chánh sự, sinh hoạt hằng ngày, học hành chơi đùa của tiểu điện hạ đều là ngoài tầm với.

Tiểu điện hạ lại như phấn khích lạ thường, như một chú chim non ở lâu trong ***g, nay được sổ ***g ngao du chân trời. Mới đầu không thèm để ý hai vị phụ thân ra đi, mỗi ngày đều tùy ý chạy chơi trong cung. Già cố gắng nới lỏng quản giáo, để cậu thích gì làm nấy, làm gì cũng được, miễn là không mất thể diện hòang gia thì đều cho phép. Tiểu điện hạ chơi chán trong cung rồi thì cho cậu ra ngoài cung. Già với cậu cùng lập ra một số quy tắc rồi mới lệnh cho hộ vệ ám vệ theo sát bên người, rồi dẫn cậu ra chợ xem náo nhiệt.

Ba, năm ngày còn mới mẻ. Tám, chín ngày còn tò mò háo hức. Nhưng qua mười, mười lăm ngày, y chang như già đoán, tiểu điện hạ bắt đầu hỏi hai vị phụ thân lúc nào mới có thể trở về. Già tránh đi, không đáp. Lại mấy ngày nữa trôi qua, tiểu điện hạ hết muốn ra ngoài cung, cũng không chạy loạn trong cung nữa. Mỗi khi đêm xuống đều quấy đòi ngủ trên ngự sàng của bệ hạ, già đành phải ngủ tạm ở điện kế bên. Thấy ngủ vừa mới tới canh ba thì có thị nữ gác đêm lay tỉnh già, báo tiểu điện hạ khóc không ngừng, ai khuyên cũng không nín. Già hiểu rõ, trở dậy khoác áo đi tới bên cạnh tiểu điện hạ, bảo thị nữ ra ngoài. Tiểu điện hạ nằm trên giường ôm gối của Tướng vương khóc hu hu, nước mắt nước mũi tè le cả khuôn mặt. Già hỏi ra mới biết là cậu vừa mơ thấy ác mộng, bị hai vị phụ thân bỏ lại lẻ loi một mình. Già nghe xong mà thương quá chừng, lau khô nước mắt của tiểu điện hạ rồi ôm cậu vào lòng, chầm chậm kể cậu nghe chuyện bệ hạ còn nhỏ đã mất mẫu phi, mà tiên hoàng bận bịu triều chính, làm ngài thiếu đi tình thương của cha, bị tiên thái tử, tiên hoàng chèn ép. Tiểu điện hạ chưa bao giờ nghe phụ hoàng từ nhỏ đã phải sống một mình, không khỏi mở to mắt hỏi già: “Phụ hoàng có mơ thấy ác mộng tỉnh dậy rồi khóc không ạ?”

Già vuốt ve đầu tiểu điện hạ, “Bệ hạ chưa bao giờ khóc trước mặt già.”

Tiểu điện hạ hỏi, “Vì sao ạ?”

Già thanh thản bảo, “Vì bệ hạ biết khóc cũng không thể thỏa mãn mong muốn nào. Lúc bệ hạ chưa gặp được Tướng vương, tính cách ngài hơi quái gở, sau khi gặp thì trở nên khoan dung rất nhiều. Hiện tại Tướng vương ở bên, triều chính gọn gàng, thần tử cũng xem như đồng lòng, bệ hạ càng không thể mơ thấy ác mộng.”

Tiểu điện hạ ôm gối trầm tư rồi dần dần ngủ mất tiêu. Sáng sớm hôm sau, tiểu điện hạ không đòi chơi cái này cái kia, mà bảo già đọc những quyển sách vỡ lòng do Tướng vương chọn từ trước.

Tiểu điện hạ, điều cậu đang sợ nhất không phải hai vị phụ thân bỏ cậu đi vân du bốn phương, mà là bản thân cậu không thể ưu tú để hai vị phụ thân vui mừng khen ngợi, nhỉ.

Chú thích

[i] Hoa đồ mi: Xem thêm tại Wikipedia.

[ii] Hưu mộc: Hiểu nôm na là ngày nghỉ.

[iii] Tướng vương: (Theo mình nhớ) thì sau này bạn Uẩn Hi phong cho Tĩnh Tư làm vương gia, ấy là sau khi năn nỉ đủ kiểu vẫn không thể khiến Văn Tướng gia chịu ngồi ngai hậu : )) Tuy nhiên công lao khai chi tán diệp cho hoàng gia vẫn không thể bỏ qua, úy hí :3 :3 :3



T/n: Dồi đó các bạn có thấy cuteness overload hông??? Ta nói chèn đét ơi là cưng chịu hổng thấu à : ))

Nhân tiện cho bạn nào chưa biết, đây là phiên ngoại của Tĩnh Ảnh Trầm Bích, truyện thể loại cung đình, đế vương công, sinh tử, ngược tâm (chủ yếu là bạn Tĩnh Tư của chúng ta tự ngược = )) ) Bạn vua Uẩn Hi truy thê rất khổ sở và khi truy được rồi thì phun ra miệng toàn những lời sến hơn con hến, đọc mà muốn phun. = )))

Bạn Như bị tương tư truyện này cũng lâu lâu, vì nó dễ thương ngọt ngào (kiêm sến lụa) hết sức luôn. Bữa kia thấy có bạn đã đặt gạch làm chính văn mà bạn Như cũng mắc tùm lum chuyện nên thôi không đèo bòng, có điều phiên ngoại thì mình mạn phép diếm làm của riêng

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.