Viết Xuống Chút Hồi Ức

Chương 124: Chương 124: Phiên ngoại 39




Tất nhiên, cuộc sống của những đôi yêu nhau không thể chỉ có mỗi lời ngon tiếng ngọt, chúng tôi cũng không ngoại lệ.

Thật ra nếu có cãi nhau, cũng chỉ xào đi xào lại những vấn đề cũ, theo như cách nói của Thẩm Phương, chúng tôi chính là: “Không phải cãi nhau, chỉ là, chưa đạt được nhận thức chung trong một số vấn đề.”

Mỗi lần tôi nghe chị nhại theo giọng điệu của tôi, tôi sẽ kích động, sẽ buồn, sẽ giơ nanh múa vuốt, nhưng cũng sẽ không nhịn được mà cười lên.

Buổi tối trước khi đi ngủ, chúng tôi có thói quen dựa vào nhau và nói chuyện, có lúc nói về những chuyện thú vị, có lúc, sẽ “triển khai thảo luận rộng rãi và sâu sắc” về những vấn đề “chưa đạt được nhận thức chung.”

Tôi kể cho chị nghe về một người lớn tuổi mà tôi biết. Đó là một trong những anh hùng mà tôi luôn dõi theo. Kể từ khi bắt đầu hiểu chuyện, tôi thường xuyên cùng đám trẻ trong sân nghe người lớn kể về những câu chuyện và truyền thuyết của ông ấy, từ hồi Chiến tranh, đến giải phóng, đến Kế hoạch Đại nhảy vọt, đến Cách mạng Văn hóa. Tôi nhớ ngày mới vào đội, lần đầu tiên được đeo khăn quàng đỏ, tâm trạng háo hức lắm. Trưa về nhà ăn cơm, vô tình gặp ông ấy đang bước xuống xe, vì ngày thường rất hiếm gặp, ông ấy không sống ở đây, hầu như cũng không bao giờ nói gì nhiều với tôi.

Hôm đó, có lẽ do tôi quá phấn khích, hoặc cũng có thể do quá phấn khích nên thần kinh bất bình thường. Ông ấy nhìn thấy tôi, vẫy tay mời tôi tới. Tôi bước đến, luôn nghĩ xem nên nói gì trong vài bước đi ngắn ngủi, nhưng khi đến gần, đầu óc tôi vẫn rất hỗn loạn, chỉ biết bắt chước cách chào quân đội và nói: “Cháu chào ông.”

Ông lão cười lên, khom người xuống chỉnh lại cho tôi: “Trên cổ cháu đeo cái gì vậy, cháu không cần chào theo lễ như thế.” Lúc đó tôi mới ý thức được, ngượng đỏ cả mặt, thế là, lập tức thay thế bằng lễ chào thiếu niên tiền phong. Ông ấy cười, gật đầu: “Hãy học tập chăm ngoan, mai sau xây dựng tổ quốc.”

Câu nói này đã truyền cảm hứng cho tôi trong một thời gian, nhưng chỉ là trong khoảng thời gian rất ngắn và nhanh chóng bị lãng quên. Điều này không có gì lạ cả, ở tuổi thiếu niên, tôi đã nghe những lời như vậy không biết bao nhiêu lần, hàng ngày, hàng tháng, hàng nắm, nghe từ TV, nghe trên radio, không có quá nhiều sự khác biệt.

Nhiều năm trôi qua, tôi lớn lên từng ngày, người già lão hoá theo thời gian. Khi tôi lên đại học, ông ấy cũng sắp sửa cưỡi ngựa chiến đi đến nơi cuối con đường nhân sinh. Tôi đến thăm ông ấy cùng gia đình, lúc đó ông vẫn còn minh mẫn, chỉ là sức khỏe yếu ớt. Nằm trên giường bệnh, ông yếu ớt lắng nghe những lời dặn dò và chào hỏi của chúng tôi, đôi lúc đáp lại bằng những câu trả lời ngắn. Gần đến cuối buổi, ông đột nhiên chỉ ngón tay vào tôi: “Bao nhiêu tuổi rồi, đã lên đại học chưa?” Người nhà tôi nhanh chóng trả lời: “Đã lên đại học rồi ạ.” Ông lão gật gật đầu: “Tốt.”

Con gái ông lão tiếp lời: “Học được đấy, đợi khi tốt nghiệp xong ra nước ngoài.”

Ông lão lại gật đầu: “Tốt.”

Để làm ông lão vui, con gái ông lại nói tiếp: “Theo bố thì đi Mỹ tốt hơn hay sang Anh tốt hơn?”

Ông vẫn gật đầu: “Đều tốt.”

“Đến nước đế quốc chủ nghĩa cũng tốt sao?”

“Tốt.”

Mọi người đều cười, cười về điều mà ai cũng nghĩ là hiển nhiên, kể cả tôi, ai cũng nghĩ, ông ấy già rồi, còn chúng tôi, vẫn còn trẻ.

Còn trẻ, là còn thông minh.

Khi chúng tôi rời đi, tôi tạm biệt ông, tôi biết rất có thể lần tạm biệt lần này chính là vĩnh biệt. Mọi người hỏi ông: “Ông có nguyện vọng gì muốn giao phó cho chúng cháu không?”

Ông lão nhìn tôi, ánh mắt ấy không còn hiền từ đôn hậu như vài năm trước nữa, cũng không lẫm liệt hào khí anh hùng như trên ảnh và TV. Đôi mắt vốn đục ngầu ấy bỗng dưng sáng hẳn lên vào lúc đó. Ông mở miệng, dường như phải tốn rất nhiều sức để chỉ vào tôi và nói: “Cháu muốn đi du học, được, phải nhớ rằng, không được làm Hán gian, không được làm dân mất nước, không được làm mại bản.”

Có câu nói rằng, con người khi sắp chết, đều nói lời hay. Tôi của hồi đó, và cả hiện tại, đều tin như vậy, đó là ý nghĩ thật tâm của ông ấy, chứ không phải khẩu hiệu hô cho người khác nghe. Tôi luôn lĩnh hội câu nói cuối cùng của ông ấy, nhất là sau khi ra nước ngoài, cho đến bây giờ.

Tôi hỏi Thẩm Phương rằng, những điều em khăng khăng bám lấy có phải quá cổ hủ không? Chị ấy từng nói, phải. Hôm đó, tôi lại hỏi chị một lần nữa, chị nói: “Có lẽ em và bố chị, anh chị giống nhau. Khí hậu ở Anh tốt, cuộc sống thoải mái, nhưng họ thà sống ở Hong Kong, một nơi người đông như vậy, mùa hè không đi đâu được cả, một nơi nóng như vậy...” Lại nói tiếp: “Hoặc có lẽ, do chị ra nước ngoài sớm quá, lại chưa hề chung sống cùng bọn họ.”

Tôi đã từng cảm thấy bị gò bó và ngộp thở kinh khủng bởi cái gọi là “thành viên gia đình“. Nếu làm không tốt, sợ ra ngoài đến cả người nhà cũng bị xã hội cười cho. Nếu làm tốt, cũng sẽ bị mỉa mai soi mói là cậy quyền cậy thế leo lên. Cho dù, đối với rất nhiều người, ví dụ như Thẩm Phương, có lẽ gia đình của tôi không đáng để nhắc tới, nhưng những tư tưởng đã được tiêm vào máu vào da từ nhỏ rất khó có thể xoá bỏ hoặc thay đổi chỉ trong tức khắc.

Tôi nói với Thẩm Phương: “Em tin rằng, nếu như, chị cũng sinh ra vào thời của em, chị sẽ càng cổ hủ về những truyền thống đó hơn em.”

Nhân sinh quan, giá trị quan của tôi, đã sớm bị bao vây trong những “truyền thống” đó từ trước khi ra nước ngoài 20 năm về trước. Sau khi ra nước ngoài, dù rằng sinh sống tại nơi phồn hoa đến thế nào đi chăng nữa, những truyền thống cố hữu đó vẫn như Mát-xcơ-va vào mùa đông năm 1941, kỵ binh giáp thép, sừng sững đồ sộ.

Tôi thường nói đùa với mẹ rằng: “Nếu ngày xưa chúng ta là nhà nông, mà bây giờ con gái của mẹ đã thành công như vậy, sợ rằng mẹ sẽ không khép miệng lại được.” Mẹ cũng sẽ luôn nói với một nụ cười: “Không tồi, nhưng cũng đừng tự mãn, con xem người ta...”

Thực ra, tôi không nghĩ đó là sự hư vinh mù quáng, nhưng từ khi mẹ tôi sinh ra, loại giá trị quan luôn hướng về phía trước, không bao giờ bỏ cuộc, luôn xem lại lỗi lầm đã thấm nhuần sâu sắc vào thời đại và cuộc sống của họ. Hơn 20 năm sau, chúng lại được truyền lại cho chúng tôi. Thật ra cũng dễ hiểu, vì các bậc tiền bối của chúng ta đã đổ xương máu vì đất nước này, dân tộc này, nên giờ đây, khi nhìn những điều đúng sau trong xã hội, tôi, và cả những người đồng trang lứa với tôi, đều có ý nghĩ mãnh liệt hơn nữa. Mà lời khuyến khích của ông lão trước lúc biệt ly ấy “không được làm Hán gian, không được làm dân mất nước, không được làm dân bán nước” đã khiến tôi chấn động sâu sắc.

Khi đến Anh, tôi làm việc cho người nước ngoài. Khi ký xong thoả thuận, tôi nhớ đến lời nói của ông lão, cảm thấy rất bất lực, nhưng sau đó vẫn giả vờ thầm an ủi mình, thật may vẫn chưa làm tư sản mại bản.

Sau này, tôi làm việc tốt trong công ty, quen được những người tài giỏi. Lúc đó, có người bạn trong nước nước nhờ tôi liên hệ sang tay các thiết bị, phụ kiện liên quan có chênh lệch giá cao từ nước ngoài về. Cho đến nay, tôi vẫn chưa làm, vì tôi nghĩ việc nhập về các sản phẩm phương Tây dởm và bán ra với giá gấp mấy lần các nhãn hiệu trong nước là điều thực sự... Người khác có thể làm được, tôi không thể. Bởi vì, theo tôi, nó không đáng.

Tôi cũng muốn kiếm nhiều tiền hơn, đặc biệt là sau khi bắt đầu lại với Thẩm Phương. Tôi cũng sử dụng thông tin có được trong quá trình làm việc để làm những việc nhỏ.

Nhưng, tôi làm ngược lại, tìm hàng ở Trung Quốc, rồi bán sang Anh. Khi bàn về giá cả, tôi không ép giá trong nước, cạnh tranh trong nước rất gay gắt, vừa nghe có xuất khẩu, ai cũng đều hăng hái. Tôi nghĩ, có lẽ lợi nhuận không nhiều nữa, nhưng sau đó, đúng là các khoản chiết khấu trong nước cao hơn rất nhiều so với bên này. Nghĩ đến sự kỳ quái này, tôi lại tự an ủi mình, tuy rằng không may không thể giữ được mình, lỡ làm tư sản mại bản mất rồi, nhưng, làm mại bản kiểu này ít nhất cũng còn chút lương tâm. Tất nhiên, tôi cũng biết rằng tôi chỉ đang tìm kiếm một lý do làm A Q.

Vì vậy, trước mặt Thẩm Phương, tôi đã viết email cho nhà sản xuất trong nước, tôi nói, nhà sản xuất này là nhà cung cấp của công ty XXX, sau khi nghiệm thu lô này, nếu dán nhãn lên có lẽ sẽ có thể bán cho XX, hoặc thậm chí là Trung Quốc. Tôi thấy, mình giống như Vô gian đạo xông vào trại của kẻ thù.

Thẩm Phương xem xong. Chị nói, em nói cho bọn họ về tên của công ty XXX như vậy, rất không tốt, không có đạo đức kinh doanh.

Tôi nói, em đang ủng hộ trá hình các doanh nghiệp quốc doanh.

Chị vẫn lắc đầu, vì thế, đây lại trở thành một vấn đề đáng để chúng tôi “đi sâu vào thảo luận và mở rộng tìm hiểu”

Sau một hồi tranh luận, ai cũng không thua ai, Thẩm Phương dậm chân cái phịch, lao ra ngoài lấy túi, tôi đoán chị định bỏ nhà ra đi để bày tỏ kháng nghị! Thế là đuổi theo nhắc nhở chị: “Muốn đi cũng được, nhưng không thể ăn mặc như vậy! Cũng không thể đi quá phạm vi vòng tròn ở đây, bán kính tối đa 30 mét! Thời gian hoạt động không quá 20 phút!”

Thẩm Phương lườm tôi: “Hứ, em thích đi thì đi đi, mặc thế này cũng được, không có giới hạn bán kính lẫn thời gian, đi đi!”

Chị lấy ví tiền từ trong túi, rút ra một tờ tiền, tờ tiền này hình như tôi chưa nhìn thấy bao giờ, nhưng lại rất quen mắt. Nhìn kỹ hơn, hoá ra là tờ tiền giấy 20 bảng Anh mới phát hành, vì tôi ra nước ngoài nên đã bỏ lỡ hôm phát hành, đây là lần đầu tiên được tận mắt nhìn thấy.

Chị ấy quay tờ tiền lại, chỉ vào một ông đang nghiêng mặt với mái tóc “thẩm phán”, hỏi tôi: “Đây là ai?”

Tôi cười: “Ặc, người Anh ai mà không biết chứ, có viết ở đây này, Adam Smith, xì, tại sao lại lấy cái tên quê mùa vậy, gần bằng em rồi, hôm đó em cũng...”

Còn chưa lắm mồm xong, Thẩm Phương đã ngắt lời tôi: “Đây là ai?”

Tôi bật cười: “Thôi được rồi, chị cứ nói tiếng Anh đi.”

Thẩm Phương cười theo tôi, nói với tôi một cách nghiêm túc về những điều liên quan đến Adam Smith, là người được mệnh danh là nhà triết học người Scotland thế kỷ 18, cha đẻ của kinh tế học hiện đại, cùng với cuốn sách tiên phong về nền kinh tế học hiện đại của ông - The Wealth Of Nation - việc xuất bản của cuốn sách này đã dẫn đến sự thịnh vượng của thương mại tự do, cũng đã đưa kinh tế học trở thành một bộ môn riêng.

Hơn nữa, cuốn sách này cũng cung cấp những lời giải thích hợp lý về đạo đức kinh doanh cho các doanh nhân trong nghề. Bởi vì, Smith tin rằng, con người đều ích kỷ, đều theo đuổi lợi ích, và theo đuổi lợi ích dưới khuôn khổ của pháp luật là điều hợp lý. Chính vì sự theo đuổi lợi ích nên mới có cạnh tranh, mới có thể khiến thị trường thịnh vượng, kinh tế thịnh vượng, mang lại lợi ích cho xã hội.

Chị không nói nhiều, tôi cũng không hiểu lắm, cũng không thực sự hiểu làm cách nào mà Invisible Hand thao túng thị trường lại có liên quan đến việc tôi tiết lộ bí mật. Dù sao thì, cuối cùng, tôi bị chộp mũ là, dịch một cách thân thương ra là, vi phạm “đạo đức thương trường” —— chị khá là nghiện chụp mũ người khác.

Tôi rất sầu, cứ tưởng mình là anh hùng, nhưng có vẻ như mỹ nhân này không thèm cái “người hùng” này.

Tôi hỏi Thẩm Phương: “Em làm như vậy, chị rất coi thường em đúng không?”

Chị cười: “Không đến nỗi vậy.”

Sau này, tôi nghĩ vấn đề này có chút đau đầu, rốt cuộc nên nhìn nhận thế nào về những tiêu chuẩn và đạo đức ấy đây? Đứng trên góc độ của ai? Và từ vị trí nào? Thực ra, rất khó để giải thích rõ ràng chỉ trong một vài câu.

Có lẽ nên nói về những “phong ba” mấy ngày gần đây. Vốn dĩ tôi không nghĩ đây là chuyện to tát gì, không muốn trả lời, nhưng xem ra tôi không trả lời sẽ càng có người suốt ngày làm ầm ĩ lên, tôi cũng đành phải nói vài câu vậy.

Thực ra, tâm trạng của tôi lúc đó đã được tôi viết rất rõ trong truyện, viết rõ đến mức sau này khi Thẩm Phương đọc được, chị có nói: “Em đúng là không thoát nổi tiên đoán của chị.” Chị nói một cách đắc thắng như có vầng hào quang trên đầu.

Không biết có ai đã có kinh nghiệm dùng séc chưa.

Thật ra thanh toán bằng séc cần rất nhiều thủ tục. Nếu dùng séc của mình, thì phải đối chiếu với thẻ ngân hàng và chữ ký tương ứng. Nếu dùng séc của người khác sẽ rắc rối hơn, riêng việc chuyển tiền đã mất từ 2 đến 5 ngày làm việc, trong khoảng thời gian này, tiền bị ngân hàng phong toả, không thể đến tài khoản được, mục đích là để đảm bảo cho bên thanh toán, nhất là đối với những khoản tiền lớn đến mức có thể mua một căn nhà.

Trong xã hội bình thường ở Anh nơi chỉ cần tiêu thụ một tờ 50 bảng Anh tiền mặt cũng phải đã được kiểm tra cẩn thận vô số lần, mọi người có thể tưởng tượng điều này có nghĩa là gì khi bên nhận tiền nhận được một khoản tiền có thể mua được một căn nhà. Còn nữa, một tấm séc tư nhân thông thường ở Anh có thể mở mệnh giá bằng một căn nhà không?

Viết nhiều như thế này, điều tôi muốn nói là, nếu không phải do Thẩm Phương tự nguyện, nếu tấm séc này rơi vào tay một ai khác thì cũng chỉ là một tờ giấy bỏ đi. Nếu không, cần ngân hàng giám sát để làm gì? Cần công ty bảo hiểm để làm gì?

Thật ra, phong ba về tấm séc này thực chất là phong ba về tình cảm giữa tôi và Thẩm Phương. Những cảm xúc trong đó, có lẽ thật khó cho chúng tôi để giải thích rõ ràng cho người bên cạnh. Sau khi chúng tôi quay lại, Thẩm Phương và tôi thường hay lấy chuyện này ra đùa, Thẩm Phương luôn nói tôi chính là người “chứng minh tình yêu bằng cách làm tổn phương nửa kia và bản thân“. Tôi thừa nhận, và cũng biết, đó là điều rất không tốt.

Nhưng, tôi phải thừa nhận rằng, đêm cuối cùng khi Thẩm Phương gọi cho tôi ấy, lý do mà tôi không nhận máy là vì tôi thực sự nghĩ mình không xứng với chị. Tình cảm của tôi dành cho chị, không xứng với những gì chị đã bỏ ra. Vì tôi vẫn luôn nghi ngờ, luôn giữ cho mình một con đường lui, luôn giữ lại cho mình điều gì đó. Hơn nữa lúc đó, đúng thật là tôi đã lợi dụng thế lực của Thẩm Phương để ép bức Ji Shang ở Thượng Hải. Mọi người nói đúng, tôi thừa nhận làm vậy rất phi đạo đức, hoàn toàn không xứng đáng nhận được một chút khoan dung và khoan hồng. Vì vậy, khi thấy Thẩm Phương chuyển tiền cho tôi, tôi thực sự không còn mặt mũi nào tiếp tục với chị.

Còn Thẩm Phương, chị chuyển tiền cho tôi, khi chị còn không biết Ji Shang sẽ gửi lại tiền cho chị, khi tôi đã nói với chị lời chia tay, chị vẫn để tôi gây sự vô cớ như xưa, nhưng xin đừng nói chị là một cô gái ngu ngốc vì tình, nói vậy là không tôn trọng chị ấy.

Thật ra, có rất nhiều chuyện, Thẩm Phương nhìn thấu hơn tôi, cũng hiểu hơn tôi.

Trong mối quan hệ của hai chúng tôi, tôi là người đứng dưới đất nhìn lên, chị là người đứng trên núi nhìn xuống, tôi luôn thừa nhận điều này. Cũng là sau khi quay lại, tôi mới biết, lúc đó chị cũng đã nghĩ rất lâu, trong hai buổi tối khi chị suy nghĩ, tôi đang nằm trên giường giả chết. Chị nghĩ rồi lại nghĩ, cuối cùng vẫn quyết định gọi cho ngân hàng, hơn nữa còn là chuyển trực tiếp. Chị nói với tôi, là chị muốn xem xem tôi sẽ như thế nào.

Vì vậy, khi khoản tiền đó được chuyển thành công, chị lập tức gọi điện thoại cho tôi. Tôi không nhận, tiếp tục chơi trò mất tích, chơi đến tận hai năm sau, chị vẫn nhớ tôi.

Đương nhiên, cũng có thể trong hai năm ấy tôi luôn lải nhải lẩm nhẩm trong lòng như vợ Tiếu Lâm hoặc như người theo đạo Hồi: Thẩm Phương Thẩm Phương Thẩm Phương Thẩm Phương Thẩm Phương Thẩm Phương Thẩm Phương Thẩm Phương Thẩm Phương Thẩm Phương Thẩm Phương Thẩm Phương Thẩm Phương Thẩm Phương Thẩm Phương Thẩm Phương... sau đó... chính là thứ gọi là “thần giao cách cảm” đó... giựt giựt...

Chị đã bị thần giao cách cảm giựt tận hai năm, So, hoàn toàn chịu không nổi nữa... hoàn toàn chịu thua... (sóng điện từ có thể kích thích lão hoá, gây ung thư, nghe nói vậy~)

Hai ngày trước nhàn rỗi viết blog, lại nhắc đến những điều này, lần nào nhắc đến chuyện này, chị cũng cười. Chị nói: “Em nên biết từ trước rằng, chị chia tay với em vì em chưa thực sự thật lòng, chứ không phải vì những trò quỷ 'lộ liễu' kia. Hơn nữa, đạo đức, đặc biệt là đạo đức về mặt tình cảm, không thể tuyệt đối được, chỉ là tương đối thôi.”

Có vẻ như định nghĩa về đạo đức chúng tôi lại phải “cần được thương lượng thêm“. Tôi không chỉ cảm giác tình cảm mà chị dành cho tôi, ngoài ra còn có rất nhiều rất nhiều, thật khó để nói rõ. Giống như một cuốn sách thú vị vậy, mỗi ngày đọc sẽ lại phát hiện một điều gì đó mới mẻ.

Tôi nghĩ, tôi sẽ đọc cuốn The Wealth Of Nation, tìm hiểu về tinh thần của ngài Smith. Là một người không phải người Anh đầu tiên được in trên đồng bảng Anh, không cần gì phải nghi ngờ thêm nữa về giá trị trong cuốn sách.

Ngoài ra, đính kèm một bài hát đầu tiên được phát trong đêm sinh nhật của chủ tử tôi. Trong bài Lil Star có vài câu từ chị ghi trong “thiệp cảm ơn” cho tôi trong ngày sinh nhật chị. Tôi lên mạng tìm nghe, rất hay.

There Is Nothing Special About Me

I Am Just A Lil Star

If You Try To Reach Out And Touch Me

You'll See I'm Not Really That Far

If It Seems Like I'm Shining Brightly

It's Probably A Reflection Of Something You Already Are.

Bà già 30 tuổi chơi trò sến sẩm với nhóc thối hơn 20 tuổi, haha, không chơi cùng chị đâu~~~

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.